CTCP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (mã chứng khoán DHB) vừa công bố báo cáo thường niên năm 2024 với nhiều thông tin đáng chú ý.

Đạm Hà Bắc đang lỗ luỹ kế 2.100 tỷ đồng

Năm 2024, doanh nghiệp phải đối mặt với hàng loạt khó khăn và thách thức: Kinh tế toàn cầu chưa phục hồi, lạm phát cao, chính sách tiền tệ bị thắt chặt. Biến động giá nguyên liệu đầu vào, cạnh tranh từ hàng nhập khẩu và nhu cầu thị trường bất ổn đã ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Doanh thu thuần cả năm đạt 4.440 tỷ đồng, tăng nhẹ so với mức 4.414 tỷ đồng của năm 2023. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt gần 7 tỷ đồng, giảm sâu so với mức lãi 858 tỷ đồng cùng kỳ. Tính đến cuối năm 2024, Đạm Hà Bắc đang lỗ luỹ kế hơn 2.100 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu còn 618 tỷ đồng trong khi vốn góp chủ sở hữu 2.722 tỷ đồng.

Một nguyên nhân quan trọng khiến lợi nhuận lao dốc là do khoản thu nhập khác từ đề án tái cơ cấu khoản vay tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) giảm mạnh. Năm 2023, công ty ghi nhận hơn 1.800 tỷ đồng thu nhập khác từ việc xóa, giảm lãi suất; trong khi năm 2024 chỉ đạt 249 tỷ đồng.

Đạm Hà Bắc (DHB) đã lỗ luỹ kế 2.100 tỷ đồng, còn nợ VietinBank (CTG) đến 1.600 tỷ
Kết quả kinh doanh của Đạm Hà Bắc

Về hoạt động sản xuất, công ty sản xuất được 434.268 tấn urea quy đổi và tiêu thụ 440.882 tấn – vượt kế hoạch đề ra. Trong bối cảnh giá bán urea có lợi hơn so với NH3, công ty chủ động tăng tiêu thụ urea trong nước và xuất khẩu sang thị trường châu Á.

Tuy nhiên, tình hình thời tiết bất lợi, như nắng nóng, mưa giông, sét đánh gây đứt đường dây truyền tải điện khiến dây chuyền sản xuất nhiều lần phải dừng đột ngột, ảnh hưởng đến thiết bị và buộc phải ngừng máy kéo dài để sửa chữa.

Ngoài ra, việc Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) thay đổi nguồn cung với giá cao hơn cũng góp phần đẩy chi phí tăng mạnh. Than hiện chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành sản xuất phân đạm.

Điểm sáng là chi phí tài chính năm 2024 giảm mạnh từ 690 tỷ đồng xuống còn 273 tỷ đồng. Trong đó, chi phí lãi vay giảm đến 68%, từ 690 tỷ đồng xuống còn 202 tỷ đồng.

Đạm Hà Bắc (DHB) đã lỗ luỹ kế 2.100 tỷ đồng, còn nợ VietinBank (CTG) đến 1.600 tỷ
Vay nợ của Đạm Hà Bắc

Tổng nợ phải trả đến cuối năm 2024 là hơn 5.600 tỷ đồng, gấp 9 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, dư nợ vay tài chính ngắn hạn là 415 tỷ đồng, dư nợ vay dài hạn là 2.370 tỷ đồng. Tổng vay tài chính đạt 2.785 tỷ đồng, cao gấp 4,5 lần vốn chủ sở hữu.

Chủ nợ lớn nhất là Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank - CTG) chi nhánh Bắc Giang và các ngân hàng đồng tài trợ, với tổng dư nợ 1.600 tỷ đồng, bao gồm 1.299 tỷ đồng nợ dài hạn. Chủ nợ lớn thứ hai là Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) với dư nợ dài hạn lên đến 1.070 tỷ đồng, kỳ hạn đến năm 2031, lãi suất 8,55%/năm.

Ngoài nợ gốc, Đạm Hà Bắc còn phải gánh khoản lãi vay dài hạn lên đến 2.085 tỷ đồng, trong đó riêng khoản phải trả cho VDB chiếm tới 2.015 tỷ đồng. Khoản lãi này đã được cơ cấu lại thời hạn thanh toán theo hợp đồng sửa đổi ký ngày 21/12/2023.

Kế hoạch năm 2025: Lợi nhuận dự kiến tăng gần 20 lần

Sang năm 2025, Đạm Hà Bắc đặt mục tiêu đẩy mạnh tối ưu hóa sản xuất, tăng năng suất và hiệu quả kinh doanh, đồng thời mở rộng thị trường tiêu thụ.

Cụ thể, sản lượng urea dự kiến đạt 390.430 tấn, NH3 đạt 32.000 tấn. Sản lượng tiêu thụ urea và NH3 lần lượt đạt 390.000 tấn và 32.000 tấn.

Đạm Hà Bắc (DHB) đã lỗ luỹ kế 2.100 tỷ đồng, còn nợ VietinBank (CTG) đến 1.600 tỷ
Kế hoạch kinh doanh năm 2025 của Đạm Hà Bắc

Với các chỉ tiêu này, công ty dự kiến doanh thu năm 2025 đạt 4.607 tỷ đồng, tăng 3,7% so với năm 2024. Lợi nhuận trước thuế kỳ vọng đạt 123 tỷ đồng, tăng gần 20 lần so với năm trước.