Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc trong hơn ba thập kỷ qua, từ một quốc gia nghèo đói với GDP bình quân đầu người chỉ khoảng 100 USD vào đầu thập niên 1990, nay đạt đến mốc hơn 4.000 USD/người. Trên nhiều chỉ số như xóa đói giảm nghèo, cải thiện điều kiện sống, cơ hội phát triển, Việt Nam đều được các tổ chức quốc tế ghi nhận. Nhưng theo chuyên gia Đinh Tuấn Minh, Giám đốc nghiên cứu Trung tâm MASSEI, chừng đó là chưa đủ để đưa đất nước vượt qua "cái bẫy thu nhập trung bình".

“Nếu cứ giữ đà như hiện nay, Việt Nam sẽ khó đuổi kịp các nền kinh tế như Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore. Muốn đạt mục tiêu trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045, chúng ta cần một động lực mới, và Nghị quyết 68 chính là câu trả lời”, ông Minh khẳng định tại Tọa đàm “Cơ hội của doanh nghiệp vừa và nhỏ trong bối cảnh Nghị quyết 68”, mới đây.

Đếm trên đầu ngón tay những VinFast, Vietjet, Trung Nguyên đi ra biển lớn: Bao giờ thương hiệu Việt mới 'nở rộ' toàn cầu?

Ông Đinh Tuấn Minh, Giám đốc nghiên cứu Trung tâm MASSEI. Ảnh minh hoạ.

Ông Minh phân tích: Trước khi Việt Nam gia nhập WTO, các tập đoàn Nhà nước từng được kỳ vọng là “quả đấm thép” để thúc đẩy phát triển kinh tế. Tuy nhiên, sau gần hai thập kỷ, ngoài Viettel, phần lớn những quả đấm thép này đều không tạo được cú hích như mong đợi.

Sau năm 2010, dòng vốn FDI và các hiệp định thương mại tự do (FTA) được kỳ vọng sẽ tạo ra tăng trưởng đột phá. Nhưng thực tế là các doanh nghiệp FDI ít kết nối với khối tư nhân trong nước, không tạo ra được chuỗi giá trị nội địa vững chắc. Tăng trưởng GDP chỉ quanh quẩn mốc 6% – con số ổn định nhưng chưa thể tạo bước nhảy vọt.

“Khi điều kiện ưu đãi không còn, ai dám chắc các nhà đầu tư nước ngoài sẽ ở lại? Tăng trưởng dựa vào FDI là dễ tổn thương. Chúng ta cần dựa vào lực nội sinh, và đó chính là doanh nghiệp tư nhân", ông nói.

Giám đốc nghiên cứu MASSEI cho rằng, một điểm đột phá khác của Nghị quyết 68 là mở rộng cửa cho doanh nghiệp tư nhân tham gia vào các dự án quy mô quốc gia: Đường sắt tốc độ cao, hạ tầng đô thị, viễn thông, thậm chí cả sản phẩm quốc phòng.

“Nếu tư duy vẫn cũ, nếu vẫn giữ tiêu chí cũ thì không một doanh nghiệp Việt nào có khả năng đáp ứng được điều kiện làm tổng thầu sân bay Long Thành – một dự án tới 5 tỷ USD. Họ sẽ tiếp tục làm thầu phụ, nhường hết sân cho doanh nghiệp nước ngoài. Như vậy thì bao giờ doanh nghiệp Việt mới có cơ hội nâng tầm?”.

Theo ông Minh, nếu để doanh nghiệp tư nhân đủ lớn tham gia vào các dự án này, họ sẽ nâng được trình độ công nghệ, phát triển năng lực sản xuất và từ đó lan tỏa đến cả hệ sinh thái doanh nghiệp nội địa.

Đếm trên đầu ngón tay những VinFast, Vietjet, Trung Nguyên đi ra biển lớn: Bao giờ thương hiệu Việt mới 'nở rộ' toàn cầu?

Muốn sản sinh những doanh nghiệp Việt có tầm vóc toàn cầu, chúng ta không thể chỉ trông chờ vào nỗ lực đơn lẻ của từng doanh nhân.

Bài toán 'nhân bản' VinFast, Vietjet, Trung Nguyên

Một điểm được ông Minh đặc biệt nhấn mạnh là nhiệm vụ “Go Global” – đưa doanh nghiệp Việt vươn ra toàn cầu. Hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay các doanh nghiệp Việt có dấu ấn toàn cầu như VinFast, Vietjet, Trung Nguyên... Vậy điều cần làm là gì để doanh nghiệp lớn có thương hiệu toàn cầu?

Chúng ta không thể chỉ trông chờ vào nỗ lực đơn lẻ của từng doanh nhân. Việc xây dựng thương hiệu lớn mang tính quốc gia đòi hỏi cả một hệ sinh thái đồng hành – từ pháp lý, tài chính đến logistics và hạ tầng chuỗi giá trị toàn cầu.

"Trong thực tế, đây là những điểm yếu cố hữu của Việt Nam: Năng lực pháp lý quốc tế còn mỏng, cơ chế tiếp cận vốn còn nhiều rào cản, hạ tầng logistics thiếu kết nối xuyên biên giới, chưa kể chiến lược đặt cứ điểm sản xuất, kinh doanh ở nước ngoài gần như vắng bóng định hướng bài bản từ cấp quốc gia", ông Minh nêu rõ.

Giám đốc nghiên cứu MASSEI dẫn chứng, thế giới không quốc gia nào sản sinh kỳ lân toàn cầu chỉ nhờ thị trường tự phát. Hàn Quốc có Samsung, Hyundai; Nhật Bản có Honda, Mitsubishi; Trung Quốc có Huawei, BYD… tất cả đều mang dấu ấn đậm nét của Nhà nước: Từ nguồn vốn ưu đãi, hỗ trợ ODA ra nước ngoài, hệ thống ngân hàng phát triển "đi cùng doanh nghiệp”, cho tới chính sách thuế linh hoạt và bảo hộ chiến lược.

"Việt Nam cần một bệ phóng quốc gia thực sự, nơi Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, đồng hành và mở đường. Không có điều đó, sẽ khó có một thế hệ VinFast, Vietjet, Trung Nguyên... thứ hai", ông Minh nhận định.

Nhiều người lo ngại rằng nếu ưu tiên doanh nghiệp lớn thì sẽ bỏ rơi doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng ông Minh cho rằng đây là hiểu lầm. Thực tế từ các nhà đầu tư FDI như Samsung cho thấy: Khi một doanh nghiệp lớn đủ tầm hiện diện tại Việt Nam, họ không đến một mình. Họ mang theo cả hệ sinh thái – các vệ tinh công nghiệp, các doanh nghiệp hỗ trợ và chuỗi cung ứng toàn cầu. Đó chính là “tính quốc gia” của doanh nghiệp.

“Vậy nên chúng ta cũng có thể tin tưởng, nếu Việt Nam có được những doanh nghiệp tư nhân đủ lớn, đủ tầm vóc toàn cầu, thì chính họ cũng sẽ kéo theo các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước đi cùng, giống như cách Samsung tạo ra cụm công nghiệp vệ tinh quanh họ”, Giám đốc nghiên cứu MASSEI, nhận định.

Doanh nghiệp đầu tàu khi vươn ra quốc tế không chỉ tạo giá trị cho riêng mình, mà còn tạo ra chuỗi kết nối, lan tỏa công nghệ, quy trình quản trị và tiêu chuẩn quốc tế cho toàn bộ hệ sinh thái doanh nghiệp nội địa. Chính hiệu ứng lan tỏa đó mới là thứ tạo nên sức bật cho toàn nền kinh tế, giúp nâng cấp năng lực cạnh tranh quốc gia một cách bền vững.

“Doanh nghiệp lớn chính là lực kéo giúp doanh nghiệp nhỏ cùng hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu, nơi giá trị gia tăng thực sự được tạo ra,” ông Minh nói.