Theo cập nhật từ ngành hàng không, một loạt sân bay từng quen thuộc với người dân tại các tỉnh như Kiên Giang, Quảng Bình, Quảng Nam, Bình Định… nay đã mang danh nghĩa của tỉnh hoặc thành phố mới sau sáp nhập. Cụ thể, sân bay Côn Đảo trước đây thuộc Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện đã chuyển về trực thuộc TP.HCM. Sân bay Chu Lai vốn gắn với tỉnh Quảng Nam, giờ đây nằm dưới sự quản lý của TP. Đà Nẵng.

Đáng chú ý, sân bay Tuy Hoà không còn thuộc Phú Yên mà đã trở thành sân bay của tỉnh Đắk Lắk. Tương tự, Đồng Hới không còn là sân bay của Quảng Bình mà thuộc Quảng Trị. Phù Cát trước đây được biết đến là sân bay của Bình Định, hiện thuộc về tỉnh Gia Lai. Đặc biệt, hai sân bay ở Kiên Giang là Rạch Giá và Phú Quốc nay đồng loạt chuyển về An Giang.

Như vậy, những hành khách quen với tên tỉnh cũ khi tìm điểm đến hoặc nghe thông báo từ hệ thống phát thanh tại sân bay có thể bị nhầm lẫn, dẫn đến việc đi sai quầy, sai cửa ra tàu bay hoặc tệ hơn là lỡ chuyến.

Đi máy bay từ ngày 1/7, hành khách cần ghi nhớ kỹ điều này
Việc sáp nhập tỉnh đã khiến các điểm đến có các sân bay thay đổi hoàn toàn. Ảnh minh họa

Việc sáp nhập còn kéo theo một thay đổi đáng chú ý: số lượng tỉnh thành có từ hai sân bay trở lên đã tăng lên đáng kể. Trước ngày 1/7, chỉ duy nhất tỉnh Kiên Giang sở hữu hai sân bay (Phú Quốc và Rạch Giá). Nay, con số đó đã mở rộng lên 5 đơn vị hành chính mới, gồm:

TP.HCM: sân bay Tân Sơn Nhất và Côn Đảo

TP. Đà Nẵng: sân bay Đà Nẵng và Chu Lai

Gia Lai: sân bay Pleiku và Phù Cát

Đắk Lắk: sân bay Buôn Ma Thuột và Tuy Hoà

An Giang: sân bay Phú Quốc và Rạch Giá

Đây là những chi tiết tưởng chừng nhỏ nhưng đóng vai trò quan trọng trong hành trình di chuyển, nhất là với hành khách không thường xuyên cập nhật tin tức hành chính.

Cục Hàng không và Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam đều khuyến cáo người dân nên kiểm tra kỹ thông tin in trên vé máy bay, bao gồm tên sân bay, tỉnh/thành phố đi – đến. Đặc biệt, không nên chủ quan khi nghe thông báo từ bảng điện tử hay loa phát thanh tại sân bay, vì sự thay đổi tên địa danh có thể gây hiểu nhầm, nhất là với những hành khách đã quen “nghe tên tỉnh là biết nơi đến”.

Ngoài ra, trong trường hợp cảm thấy bối rối hoặc không chắc chắn về điểm đến sau sáp nhập, hành khách được khuyến khích hỏi trực tiếp nhân viên sân bay để được hướng dẫn cụ thể và kịp thời. Đây là cách đơn giản nhưng hiệu quả để tránh các sự cố đáng tiếc, nhất là trong bối cảnh hệ thống còn đang trong quá trình điều chỉnh và ổn định.