Theo Báo Đầu tư, Bộ Xây dựng vừa có công văn gửi Cục Đường sắt Việt Nam liên quan đến việc nghiên cứu quy hoạch tuyến đường sắt Hà Nội - Quảng Ninh.
Trong văn bản, Bộ Xây dựng đề nghị Cục Đường sắt rà soát hồ sơ đề xuất quy hoạch tuyến đường sắt Hà Nội - Quảng Ninh theo đúng quy định pháp luật về quy hoạch. Đáng chú ý, cơ quan này yêu cầu cập nhật và làm rõ các yếu tố mới như việc hình thành Cảng hàng không quốc tế Gia Bình, mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số giai đoạn 2026 - 2030, cũng như việc sắp xếp tổ chức bộ máy và địa giới hành chính các địa phương. Đây được xem là cơ sở để đánh giá tính cần thiết, khả thi và hiệu quả của phương án quy hoạch tuyến đường sắt trên toàn hành lang nói chung và tuyến Hà Nội - Quảng Ninh nói riêng, với tầm nhìn dài hạn.
Bộ Xây dựng cũng đề nghị Cục Đường sắt tích hợp tuyến này vào điều chỉnh Quy hoạch mạng lưới đường sắt, quy hoạch tuyến và ga đường sắt, nhằm đảm bảo tính kết nối đồng bộ với hệ thống đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị và các loại hình giao thông khác. Đồng thời, đơn vị cần cân nhắc đến khả năng kết nối các khu đô thị, di tích văn hóa và điểm đến du lịch dọc tuyến để tối ưu hiệu quả khai thác.
"Ngay sau khi hoàn thiện dự thảo hồ sơ, cần tổ chức lấy ý kiến các địa phương liên quan để triển khai các thủ tục tiếp theo", công văn nêu rõ.
![]() |
Vingroup đề xuất làm dự án đường sắt tốc độ cao Hà Nội - Quảng Ninh (Ảnh minh họa) |
Trước đó, Tập đoàn Vingroup (HoSE: VIC) đã đề xuất với Chính phủ được nghiên cứu và đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Hà Nội - Quảng Ninh theo hình thức đối tác công - tư (PPP) hoặc hợp đồng xây dựng - sở hữu - kinh doanh (BOO). Hình thức này nhằm giảm gánh nặng đầu tư và vận hành cho ngân sách Nhà nước.
Dự án có chiều dài khoảng 121km, vận tốc thiết kế tối đa lên tới 300km/h, giúp rút ngắn thời gian di chuyển giữa Hà Nội và Quảng Ninh xuống còn khoảng 30 phút. Tuyến đường có điểm đầu tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia (Cổ Loa, Hà Nội) và điểm cuối tại khu Công viên rừng, phường Đại Yên, TP. Hạ Long - đối diện khu đô thị Vinhomes Hạ Long Xanh. Hai đầu tuyến đều kết nối với các dự án trọng điểm nằm trong hệ sinh thái đầu tư của Vingroup.
Nếu được triển khai đúng định hướng, tuyến đường sắt tốc độ cao Hà Nội - Quảng Ninh không chỉ góp phần hiện đại hóa hệ thống hạ tầng, mà còn trở thành cú hích phát triển kinh tế khu vực, hiện thực hóa mục tiêu đưa Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch quốc tế như chiến lược đã định vị từ lâu.