Tại Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 60-NQ/TW về phương án sắp xếp 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh. Theo đó, ba địa phương Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương và TP.HCM sẽ hợp nhất thành một địa phương mới, lấy tên là TP.HCM, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại TP.HCM hiện nay.
Nằm trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, các khu công nghiệp Bà Rịa – Vũng Tàu có nhiều tiềm năng để củng cố và phát triển. Bà Rịa – Vũng Tàu hiện có 17 khu công nghiệp đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng diện tích hơn 9.000ha.
Theo UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, năm 2024 tỉnh tiếp tục trở thành một trong những địa phương hấp dẫn nhất cả nước với các nhà đầu tư nước ngoài. Quan trọng hơn, tỉnh tiếp tục kiên định thu hút các dự án chất lượng cao, tạo ra giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường.
Tính đến cuối năm 2024, Bà Rịa- Vũng Tàu đã thu hút gần 1.200 dự án đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn quy đổi khoảng 50 tỷ USD. Trong đó, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hơn 33,3 tỷ USD với gần 500 dự án FDI.
Bên cạnh đó, tỉnh Bình Dương nằm ở phía Bắc của TP.HCM có 30 khu công nghiệp và 8 cụm công nghiệp đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy gần như 100%. Một số khu công nghiệp tại Bình Dương như: Việt Nam – Singapore (VSIP), Becamex, Sóng Thần, Đồng An, Việt Hương… Hiện các khu công nghiệp Becamex, VSIP đã phát triển đầu tư xây dựng ra 13 tỉnh, thành trong cả nước.
Năm 2024, tỉnh Bình Dương đã thu hút hơn 2,2 tỷ USD vốn FDI. Lũy kế đến nay, Bình Dương đã thu hút được gần 4.400 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký trên 42,4 tỷ USD, đứng thứ 2 cả nước về thu hút vốn FDI, sau TP.HCM.
![]() |
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet |
Còn tại TP.HCM, hiện thành phố có 21 khu công nghiệp đang hoạt động, trải rộng trên nhiều quận, huyện và thành phố Thủ Đức. Quá trình phát triển các khu công nghiệp ở TP.HCM diễn ra khá ổn định với tỷ lệ lấp đầy cao và định hướng mở rộng rõ rệt.
Năm 2024, tổng vốn FDI đầu tư vào TP.HCM biến động mạnh, chỉ đạt 2,2 tỷ USD, giảm 39,5% so với năm 2023. Trong đó, mặc dù số dự án cấp mới (1.285 dự án) vẫn tăng 14,7%, nhưng vốn đăng ký chỉ đạt 475 triệu USD, giảm 18,3% so với năm 2023.
Cùng kỳ, số vốn FDI thông qua góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp chỉ đạt 1,27 tỷ USD, bằng 49,2%. Lũy kế, đến hết năm 2024, TP.HCM vẫn là địa phương thu hút FDI đứng đầu cả nước với 58,45 tỷ USD, nhưng biến động của năm 2024 là không thể không lưu ý.
Sau khi sáp nhập tỉnh Bình Dương, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vào TP.HCM, đơn vị hành chính cấp tỉnh mới dự kiến sẽ có diện tích tự nhiên khoảng hơn 6.770 km2, gấp hơn 3 lần so với diện tích hiện tại của TP.HCM. Quy mô dân số sau sáp nhập đạt khoảng hơn 13 triệu người, tăng khoảng 1,4 lần so với dân số hiện nay của TP.HCM.
Trao đổi với báo Tiền Phong, ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, yêu cầu đặt ra với TP.HCM là phát triển nhanh nhưng “chiếc áo” của thành phố đã hết sức chật chội. Nếu TP.HCM không được mở rộng, với dân số gần 10 triệu người, trong khi diện tích chỉ có hơn 2.000 km2 thì rất khó để có thể giải quyết được các điểm nghẽn về hạ tầng, nhà ở, phát triển công nghệ cao…
Cho nên nghiên cứu sắp xếp TP.HCM với các tỉnh trong vùng kinh tế Đông Nam bộ như Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, không chỉ giúp giải quyết được các vấn đề ách tắc trong không gian phát triển, nhất là trong lĩnh vực hạ tầng giao thông mà còn mở ra không gian phát triển đô thị, không gian biển, không gian du lịch...