Thủ tướng cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2025, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt, các cân đối lớn được bảo đảm. Tỷ giá ổn định; mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục giảm, tăng trưởng tín dụng tích cực.

Đến ngày 23/4/2025, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt 16,23 triệu tỷ đồng, tăng 18,44% so với cùng kỳ. Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản được triển khai tích cực, đã cho vay 60 nghìn tỷ đồng và sẽ tăng quy mô lên 100 nghìn tỷ đồng và mở rộng phạm vi, đối tượng tham gia.

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân ở mức 3,2%, tạo dư địa cho điều hành linh hoạt, hiệu quả chính sách vĩ mô. Thu ngân sách Nhà nước 4 tháng đạt trên 944 nghìn tỷ, bằng 48% dự toán năm và tăng 26,3%.

Trong 4 tháng đầu năm 2025, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 275,2 tỷ USD, tăng 15%; xuất khẩu ước đạt 140,1 tỷ USD, tăng 12,8%; nhập khẩu ước đạt gần 135,1 tỷ USD, tăng 17,3%.

Vốn FDI thực hiện đạt trên 6,7 tỷ USD, cao nhất trong giai đoạn 2020 - 2025, cho thấy Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế.

Những con số nổi bật về kinh tế trong 4 tháng đầu năm 2025

Thủ tướng Phạm Minh Chính - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bên cạnh đó, công nghiệp khởi sắc, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo tăng ở mức 2 con số (10,1%); điện, xăng dầu phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng được bảo đảm.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng gần 10%; thương mại điện tử tăng trưởng mạnh. Du lịch là điểm sáng, thu hút gần 7,7 triệu lượt khách quốc tế, cao nhất từ trước đến nay, tăng 23,8% so với cùng kỳ.

Ngoài ra, kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội được phát triển theo hướng đồng bộ, hiện đại, ưu tiên cho các dự án trọng điểm, quan trọng về đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao, sân bay, cảng biển, hạ tầng giáo dục, y tế, xã hội... Đồng loạt khởi công, khánh thành 80 công trình, dự án trọng điểm, hạ tầng chiến lược kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa vào khai thác nhà ga T3 Tân Sơn Nhất và thông xe tuyến chính 5 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam...

Công tác phòng, chống lãng phí được đặc biệt quan tâm và đạt kết quả tích cực, nhất là việc xử lý các công trình, dự án tồn đọng, kéo dài gây thất thoát, lãng phí nguồn lực; trong đó, Chính phủ đã hoàn thành rà soát, đang đề xuất Bộ Chính trị, Quốc hội tháo gỡ vướng mắc cho trên 2.200 dự án với tổng vốn gần 5,9 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 235 tỷ USD) và tổng quy mô sử dụng đất khoảng 347 nghìn ha.