Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu tôm Việt Nam trong quý I/2025 đạt 939 triệu USD, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2024.
Mức tăng trưởng ấn tượng này đến từ sự phục hồi nhu cầu tại nhiều thị trường lớn, đặc biệt là Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và khối CPTPP.
Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc) là điểm sáng lớn nhất với tổng kim ngạch đạt 288 triệu USD, tăng tới 125%. Xuất khẩu tôm hùm sang thị trường này tiếp tục tăng mạnh.
![]() |
Ảnh minh họa |
Giá xuất khẩu tôm sú Việt Nam sang Trung Quốc trong tháng 3 duy trì mức 9,6 USD/kg, tăng nhẹ so với tháng 1. Tuy nhiên, giá tôm chân trắng vẫn ở mức thấp (6,6 USD/kg), cho thấy sức ép cạnh tranh từ Ecuador và Ấn Độ vẫn hiện hữu.
Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ đạt 134 triệu USD trong quý I/2025, tăng 11% nhờ nhu cầu tại thị trường Mỹ tăng. Bên cạnh đó, Triển lãm Thủy sản Bắc Mỹ 2025, diễn ra từ ngày 16–18/3 tại Boston, cũng đóng vai trò quan trọng thúc đẩy tăng trưởng.
Sự kiện là nơi doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận khách hàng mới, tái kết nối các đối tác truyền thống và khẳng định thương hiệu trên thị trường cao cấp này. Việc mở rộng diện tích gian hàng và sự hiện diện của nhiều doanh nghiệp cho thấy nỗ lực mạnh mẽ trong xúc tiến thương mại, góp phần gia tăng đơn hàng ngay trong quý I.
Về giá xuất khẩu, Mỹ là thị trường có mức giá cao nhất. Giá trung bình xuất khẩu tôm chân trắng trong tháng 3 đạt 10,9 USD/kg, giá tôm sú ở mức 17,7 USD/kg – ổn định hơn so với các thị trường khác.
Xuất khẩu tôm sang EU trong quý đầu năm nay đạt 107 triệu USD, ghi nhận mức tăng trưởng khả quan 33%. Giá xuất khẩu trung bình tôm chân trắng đi EU đang đi ngang (7,6 USD/kg), trong khi giá tôm sú tăng nhẹ lên 10,9 USD/kg trong tháng 3.
Xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 124 triệu USD (+20%), sang Hàn Quốc đạt 77 triệu USD (+16%). Thị trường Nhật Bản có nhu cầu cao với tôm chế biến và sản phẩm đông lạnh tiện lợi. Tuy nhiên, giá xuất khẩu đang có xu hướng giảm sau đợt tăng mạnh đầu năm: tôm chân trắng từ 9,5 xuống 8,4 USD/kg; tôm sú từ 14,7 xuống 13,6 USD/kg. Hàn Quốc cũng ghi nhận biến động giá, phản ánh sự cạnh tranh từ các nước châu Á khác.
Xuất khẩu sang khối CPTPP đạt 269 triệu USD (+40%), tăng tốt nhưng vẫn phụ thuộc lớn vào Nhật Bản và Canada. Trong khi đó, các thị trường nhỏ khác (ngoài top) có xu hướng giảm, cho thấy còn nhiều bất ổn, đặc biệt do chi phí logistics cao và rào cản kỹ thuật.
VASEP dự báo, trong tháng tới, xuất khẩu tôm Việt sẽ tiếp tục tăng nhờ nhu cầu phục hồi hậu đại dịch. Tuy nhiên, mục tiêu đạt 4 tỷ USD trong năm 2025 là bài toán đầy thử thách.