Ngày 11/7, Bảo hiểm xã hội Khu vực XXVII (TP. HCM) công bố danh sách 100 doanh nghiệp trên địa bàn đang chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) kéo dài từ 6 tháng trở lên, với số tiền nợ rất lớn.
Dù đã nhiều lần bị cơ quan bảo hiểm xã hội đôn đốc, nhắc nhở, thanh tra và kiểm tra, nhiều doanh nghiệp vẫn cố tình không thực hiện nghĩa vụ đóng bảo hiểm cho người lao động.
Đứng đầu danh sách là Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (địa chỉ 235 Võ Thị Sáu, phường Xuân Hòa), chậm đóng gần 58 tỷ đồng trong 21 tháng.
Tiếp theo là Công ty Cổ phần Dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài Gòn (số 10 Cô Giang, phường Cầu Ông Lãnh), nợ 40,2 tỷ đồng và đã chậm đóng suốt 87 tháng.
Một số doanh nghiệp khác cũng có số tiền nợ lớn như Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Hoàng Sinh (đường D4, Khu công nghiệp Phú Tân, phường Bình Dương) với khoản nợ 31,4 tỷ đồng trong 27 tháng;
Chi nhánh Công ty Cổ phần Giáo dục Quốc tế Mỹ AIS (đường Nguyễn Văn Tạo, xã Hiệp Phước) nợ hơn 16 tỷ đồng, kéo dài trên 3 năm.
Trong danh sách còn có những doanh nghiệp nợ bảo hiểm kéo dài cả thập kỷ. Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Công trình Miền Đông (46A đường 27, phường Hiệp Bình) nợ 4,5 tỷ đồng trong 166 tháng;
Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng số 8 (400/5 Ung Văn Khiêm, phường Thạnh Mỹ Tây) nợ 10,2 tỷ đồng trong 139 tháng;
Công ty TNHH Linh Thanh Tuyền (2 Nơ Trang Long, phường Bình Thạnh) nợ 5,8 tỷ đồng trong 126 tháng.
Ngoài ra, cơ quan BHXH cũng ghi nhận một số doanh nghiệp chỉ mới chậm đóng trên 6 tháng nhưng số tiền đã lên đến hàng chục tỷ đồng. Cụ thể, Công ty Cổ phần Kết cấu thép QH PLUS (KCN Mỹ Xuân B1, phường Phú Mỹ) nợ 13 tỷ đồng và Công ty TNHH Stepmedia Software Việt Nam (số 60A Trường Sơn, phường Tân Sơn Hòa) nợ 8,5 tỷ đồng.
Theo Bảo hiểm xã hội Khu vực XXVII, tình trạng chậm đóng bảo hiểm khiến nhiều người lao động rơi vào cảnh khó khăn do không thể giải quyết các chế độ thai sản, bảo hiểm thất nghiệp, buộc phải ngừng việc và gửi đơn khiếu nại lên cơ quan chức năng.
Cơ quan này cho biết sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, thanh tra và có biện pháp xử lý nghiêm để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động.