Với khoảng 500.000 ha diện tích trồng các loại cây gia vị và sự tham gia của khoảng 400 doanh nghiệp cùng hàng trăm nghìn hộ nông dân, Việt Nam đang nắm lợi thế lớn trong ngành sản xuất và xuất khẩu gia vị toàn cầu. Hiện nước ta đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu, giữ vị trí số 1 về xuất khẩu quế và có vai trò quan trọng với nhiều loại gia vị khác như: ớt, đinh hương, gừng, nghệ, bạch đậu khấu…

Đáng chú ý, bạch đậu khấu – loại gia vị đắt đỏ thứ ba thế giới chỉ sau nhụy hoa nghệ tây và vani có giá bán lên tới 9 USD/100g. Loài cây thân thảo này mọc chủ yếu ở vùng núi cao, khí hậu mát mẻ như Lào Cai, Cao Bằng, cao khoảng 2–3m, sống lâu năm, cho hoa trắng, và thường được thu hái tự nhiên.

Việt Nam sở hữu loại quả hiếm đắt đỏ thứ 3 thế giới: Trồng 3 năm mới thu hoạch, nửa đầu năm đã thu về hơn 15 triệu USD
Cây bạch đậu khấu trồng tại vùng núi phía Bắc Việt Nam, loài thảo dược quý có giá trị cao, phải mất hơn 3 năm mới cho thu hoạch.

Song hành với đó, nhục đậu khấu (còn gọi là nhục quả, ngọc quả), thuộc họ Myristicaceae, là cây thân gỗ cao tới 10m, thường được trồng tại miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, nơi khí hậu nhiệt đới ẩm thích hợp cho sinh trưởng.

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPAS), trong 6 tháng đầu năm 2025, Việt Nam đã xuất khẩu 1.684 tấn bạch đậu khấu và nhục đậu khấu, đạt kim ngạch 15,3 triệu USD tăng 8,4% về sản lượng và 21,6% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Các doanh nghiệp xuất khẩu tiêu biểu gồm Nedspice Việt Nam (1.152 tấn) và Olam Việt Nam (361 tấn).

Tổng sản lượng bạch đậu khấu và nhục đậu khấu tại Việt Nam dao động từ 3.000 – 5.000 tấn/năm, phần lớn được xuất khẩu sang Ấn Độ, Trung Quốc, Trung Đông và châu Âu, những thị trường có nhu cầu cao trong ẩm thực, dược phẩm và mỹ phẩm. Hiện giá xuất khẩu bạch đậu khấu đạt khoảng 50 – 70 USD/kg, còn nhục đậu khấu ở mức 20 – 30 USD/kg.

Tuy nhiên, để khai thác tối đa tiềm năng, ngành gia vị Việt Nam cần vượt qua những hạn chế như sản xuất nhỏ lẻ, công nghệ chế biến lạc hậu và thiếu thương hiệu quốc tế. Việc phát triển vùng nguyên liệu chuẩn hóa, áp dụng tiêu chuẩn hữu cơ (như EU Organic, USDA), và tăng cường liên kết với doanh nghiệp xuất khẩu là những bước đi cần thiết.

Với chiến lược phát triển bài bản và sự đầu tư đúng hướng, bạch đậu khấu và nhục đậu khấu hoàn toàn có thể trở thành những mặt hàng xuất khẩu chủ lực mới, góp phần nâng cao giá trị gia tăng và vị thế của nông sản Việt Nam trên bản đồ gia vị thế giới.