Một nghiên cứu mới từ Tập đoàn kiểm toán và tư vấn toàn cầu PricewaterhouseCoopers (PwC) cho thấy, các công việc yêu cầu kỹ năng liên quan đến AI hiện đang có mức thu nhập cao hơn đáng kể so với mặt bằng chung. Từ gần một tỷ tin tuyển dụng được phân tích trong năm qua, PwC nhận thấy mức lương trung bình cho các vị trí gắn với AI đã tăng tới 56% chỉ trong vòng một năm.

Theo ông Barret Kupelian, chuyên gia kinh tế tại PwC, xu hướng tuyển dụng nhân sự có kỹ năng AI đang lan rộng ở hầu hết các lĩnh vực, đặc biệt là trong công nghệ thông tin, tài chính và dịch vụ chuyên môn. Điều này không chỉ phản ánh nhu cầu cấp thiết của doanh nghiệp mà còn cho thấy rõ sự dịch chuyển trong giá trị của người lao động: ai biết cách ứng dụng AI hiệu quả sẽ trở thành nhân lực đắt giá.

Mặc dù AI đang bành trướng ảnh hưởng, không phải ngành nghề nào cũng có nguy cơ bị thay thế. Ông Kupelian nhấn mạnh rằng, những công việc đòi hỏi kỹ năng tay nghề cao như thợ điện, thợ nước, thợ sơn… vẫn giữ được vị thế tương đối an toàn. Công nghệ hiện tại vẫn chưa đủ tinh vi để mô phỏng hoàn toàn những thao tác đòi hỏi sự khéo léo, linh hoạt và xử lý tình huống thực tế của con người trong các ngành nghề này.

Học ngay kỹ năng này để không bị AI cho 'ra rìa' trong thời đại số
Ai biết cách ứng dụng AI hiệu quả sẽ trở thành nhân lực đắt giá. Ảnh minh họa

Ngoài ra, những công việc gắn liền với khả năng sáng tạo và óc phán đoán, chẳng hạn như nhà báo, đạo diễn, nhà thiết kế, hay chuyên gia tư vấn chiến lược cũng là những lĩnh vực mà AI khó lòng thay thế hoàn toàn trong tương lai gần.

Shawn K., một kỹ sư phần mềm người Mỹ từng có mức lương 150.000 USD/năm, hiện đang làm nghề giao hàng sau khi bị sa thải vì AI. Ông là một trong số nhiều lập trình viên bị thay thế bởi các hệ thống tự động hóa và trí tuệ nhân tạo. Sau một năm nộp hơn 800 hồ sơ xin việc nhưng không nhận được phản hồi, ông Shawn không còn muốn quay lại công việc cũ vì mức độ cạnh tranh hiện tại đã trở nên quá khốc liệt. Ngay cả việc vượt qua hệ thống lọc hồ sơ AI cũng đã là một thử thách.

Ông cho rằng, trong thời đại mà doanh nghiệp ưu tiên giảm chi phí nhân công mà vẫn đảm bảo chất lượng đầu ra, thì nhiều vị trí kỹ thuật, dù trước đây được xem là "an toàn", cũng không còn chắc chắn như trước.

Một điểm đáng chú ý trong báo cáo của PwC là sự sụt giảm rõ rệt trong yêu cầu bằng đại học ở các vị trí công việc liên quan đến AI. Nếu như năm 2019, khoảng 64% tin tuyển dụng trong lĩnh vực này yêu cầu bằng cử nhân, thì đến năm 2024, con số này chỉ còn 56%. Thay vì tập trung vào bằng cấp, nhiều nhà tuyển dụng hiện chuyển sang đánh giá năng lực thực tế, kinh nghiệm làm việc và khả năng thích nghi công nghệ của ứng viên.

Học ngay kỹ năng này để không bị AI cho 'ra rìa' trong thời đại số
Bằng đại học không còn là tất cả, năng lực, kinh nghiệm mới là thứ được nhà tuyển dụng đánh giá cao. Ảnh minh họa

Theo bà Phillippa O’Connor, Giám đốc nhân sự PwC Vương quốc Anh, việc học tập liên tục và mở rộng kỹ năng công nghệ đang trở thành điều kiện cần để người lao động không bị bỏ lại trong dòng chảy chuyển đổi số. “Bằng đại học vẫn có giá trị, nhưng nó không còn là tấm vé đảm bảo vào thị trường lao động như trước. Sự chủ động nâng cấp bản thân mới là yếu tố quyết định”, bà nói.

Báo cáo của PwC kết luận rằng thay vì coi AI là mối đe dọa, người lao động, đặc biệt là giới trẻ nên học cách tận dụng và làm chủ công nghệ này. Các công việc sẽ không biến mất hoàn toàn, nhưng yêu cầu của chúng sẽ thay đổi. Việc biết cách cộng tác cùng AI để tăng hiệu suất làm việc, sử dụng các công cụ AI để hỗ trợ sáng tạo và đưa ra quyết định nhanh hơn sẽ là lợi thế lớn.

Các chuyên gia khuyến nghị người trẻ nên sớm làm quen với các kỹ năng như phân tích dữ liệu, sử dụng phần mềm AI hỗ trợ công việc, tư duy phản biện, kỹ năng giao tiếp liên ngành, và đặc biệt là năng lực học tập suốt đời.