Ngày 8/7 tại Hà Nội, Tập đoàn Đèo Cả đã ký kết thỏa thuận mua sắm thiết bị khoan hầm TBM (Tunnel Boring Machine) với Tổng Công ty Công nghiệp nặng Xây dựng Đường sắt Trung Quốc (CRCHI) - nhà sản xuất thiết bị TBM lớn nhất thế giới, cùng đại lý ủy quyền tại Việt Nam là CTCP Thiết bị và Dịch vụ TCE.
![]() |
Lễ ký kết thỏa thuận mua sắm thiết bị TBM giữa Tập đoàn Đèo Cả với Tổng Công ty Công nghiệp nặng Xây dựng Đường sắt Trung Quốc (CRCHI) |
Ông Phan Văn Thắng - Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả cho hay: "Từ nay đến 2035, Việt Nam dự kiến đầu tư hàng chục tỷ USD cho đường sắt đô thị cũng như triển khai hàng loạt tuyến đường sắt tốc độ cao, số lượng hầm xuyên núi là rất nhiều. Đó là cơ hội mà Đèo Cả muốn nắm bắt một cách bài bản. Lễ ký kết hôm nay đặt nền móng cho quá trình chuẩn bị đầy đủ của Tập đoàn về kỹ thuật, nhân sự và công nghệ để có thể sẵn sàng bước vào các giai đoạn đấu thầu”.
Phía CRCHI cũng đánh giá cao sự kiện này, cho rằng đây không chỉ là thương vụ thương mại mà còn là sự khởi đầu cho quá trình hợp tác chiến lược nhằm phát triển năng lực thi công hạ tầng hiện đại tại Việt Nam.
Đây là lần đầu tiên một doanh nghiệp Việt trực tiếp ký kết và thực hiện mua sắm thiết bị TBM - loại máy không thể thiếu trong thi công các tuyến metro, với ưu điểm vượt trội về tốc độ, an toàn và giảm thiểu tác động môi trường. Trước đây, các dự án metro tại Việt Nam chủ yếu do nhà thầu nước ngoài đảm nhận do sở hữu công nghệ và thiết bị TBM.
![]() |
Hình ảnh máy đào hầm TBM nặng gần 1.000 tấn từng được sử dụng làm tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội |
Đầu tư vào con người để làm chủ công nghệ lõi
Song song với đầu tư thiết bị, Đèo Cả đặc biệt chú trọng xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao. Ông Nguyễn Quang Huy - Tổng Giám đốc Tập đoàn cho biết, TBM là công nghệ mới, đòi hỏi quy trình vận hành khép kín và nguồn nhân lực được đào tạo bài bản cả trong và ngoài nước.
“Chúng tôi sẽ học hỏi từ các chuyên gia CRCHI, đồng thời thành lập tổ công tác chung ngay sau lễ ký kết để triển khai công việc cụ thể” - ông Huy chia sẻ.
Trước đó, tháng 5/2025, Đèo Cả đã cử đội ngũ kỹ sư và công nhân tham gia chương trình tu nghiệp chuyên sâu về thi công hầm bằng TBM tại Trung Quốc. Các học viên được học lý thuyết và thực hành trực tiếp trên công trường tuyến đường sắt liên thành phố Quảng Châu - Đông Quan - Thâm Quyến bằng công nghệ TBM (tốc độ thiết kế 120 km/h, tổng chiều dài 80km) và dự án nhà ga Long Thành thuộc tuyến đường sắt liên thành phố Thâm Quyến - Huệ Châu.
Ngoài đào tạo tại nước ngoài, từ đầu năm 2024 đến nay, gần 200 cán bộ Đèo Cả đã theo học các khóa đào tạo chuyên ngành đường sắt tại rường Đại học Giao thông Vận tải TP. HCM. Khóa đầu tiên dự kiến sẽ tốt nghiệp trong tháng 8 tới.
Tập đoàn cũng đang xây dựng kế hoạch liên kết đào tạo dài hạn với nhiều trường đại học, cao đẳng trong và ngoài nước, trong đó có các trường chuyên ngành như Cao đẳng nghề Đường sắt Quảng Châu và Cao đẳng Đường sắt Vũ Hán (đều của Trung Quốc). Những khóa học đầu tiên sẽ khai giảng trong tháng 8 và 9 tới đây, từng bước xây dựng đội ngũ nhân lực đủ năng lực phục vụ các dự án hạ tầng trọng điểm, nhất là tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
![]() |
Tuyến metro 2 (Bến Thành – Tham Lương) - dự án nhóm Đèo Cả, THACO, Hòa Phát đều xin thực hiện |
Gần đây, liên danh Đèo Cả - FECON - PowerChina - Sucgi, do Đèo Cả đại diện, đã kiến nghị được thực hiện tuyến số metro 2 (Bến Thành – Tham Lương) tại TP. HCM. Dự án có tổng vốn đầu tư 47.890 tỷ đồng, dài hơn 11km. Liên danh cam kết triển khai theo hình thức tổng thầu EPC, trong đó Đèo Cả và Fecon đảm nhận vai trò chính, huy động hệ thống thiết bị TBM và đội ngũ đã được đào tạo để thực hiện dự án.
Bên cạnh Đèo Cả, nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn khác như THACO, Đại Dũng - CC1 - Hòa Phát cũng đang đề xuất tham gia dự án này.