Năm 1995, trong nỗ lực quảng bá sản phẩm, PepsiCo tung ra chương trình khuyến mãi "Pepsi Stuff", cho phép người tiêu dùng tích điểm từ các lon nước để đổi quà như mũ, áo phông, kính mát. Tuy nhiên, đoạn quảng cáo đi kèm mới là điều gây chú ý. Trong video, một thiếu niên xuất hiện đầy hào hứng khi lái... máy bay chiến đấu Harrier AV-8B hạ cánh trước sân trường. Thông điệp chốt hạ: “Chỉ cần 7 triệu điểm Pepsi”.

Đối với phần lớn khán giả, đây là chi tiết hài hước, nhưng với John Leonard - một sinh viên 21 tuổi đến từ Seattle thì lại nhìn ra một cơ hội lớn từ quảng cao này.

Pepsi bị một sinh viên 21 tuổi kiện vì… không giao máy bay như hứa hẹn: Trò đùa quảng cáo biến thành vụ kiện chấn động
Hình ảnh chiếc máy bay đỗ trước cổng trường học trong quảng cáo của Pepsi

Sau khi nghiên cứu kỹ thể lệ chương trình, Leonard phát hiện người chơi có thể mua thêm điểm với giá 0,10 USD/điểm sau khi đổi ít nhất 15 điểm từ lon thật. Thậm chí, Leonard đã thành công thuyết phục được một nhà đầu tư cung cấp khoản tiền tương ứng, tiếp đó cậu đã gửi tấm séc trị giá 700.008 USD và đề nghị đổi lấy chiếc máy bay chiến đấu như trong quảng cáo.

Tất nhiên, Pepsi đã từ chối thẳng thừng. Hãng khẳng định đây chỉ là yếu tố gây cười và không có ý định cung cấp Harrier cho bất kỳ khách hàng nào. Không đồng tình, Leonard đệ đơn kiện Pepsi với lý do công ty đã phát hành một lời mời chào hợp pháp, nhưng không thực hiện nghĩa vụ.

Vào năm 1995, chiếc tiêm kích Harrier AV‑8B mà Pepsi “hứa tặng” trong quảng cáo được định giá khoảng 23-37 triệu USD trên thị trường quân sự. Đây là một máy bay chiến đấu với khả năng cất hạ cánh thẳng đứng (VTOL), được Mỹ, Ý và Tây Ban Nha sử dụng, có giá sản xuất ước tính khoảng 21,6 triệu USD cho mỗi chiếc vào giữa thập niên 1980. Giá trị thực tế của Harrier khiến lời đề nghị 7 triệu điểm trở nên nực cười và không thể coi là đề nghị nghiêm túc.

Năm 1999, Tòa án Quận phía Nam New York đưa ra phán quyết cuối cùng: Pepsi không có nghĩa vụ phải giao máy bay chiến đấu. Thẩm phán Kimba Wood nhấn mạnh, không một người tiêu dùng hợp lý nào có thể tin rằng một hãng nước giải khát lại tặng một chiếc Harrier trị giá hàng chục triệu USD trong khuôn khổ một chương trình khuyến mãi.

Pepsi bị một sinh viên 21 tuổi kiện vì… không giao máy bay như hứa hẹn: Trò đùa quảng cáo biến thành vụ kiện chấn động
Máy bay quân sự Harrier có thể cất cánh thẳng đứng như trực thăng. Ảnh: CBS News

Tòa cũng viện dẫn luật thương mại, cho rằng đây không phải là một hợp đồng hợp pháp do thiếu văn bản cụ thể, đồng thời khẳng định đoạn quảng cáo chỉ mang tính chất phóng đại nhằm thu hút sự chú ý.

Sau vụ việc, Pepsi nhanh chóng sửa nội dung quảng cáo, nâng mức điểm để đổi máy bay lên... 700 triệu và thêm dòng chú thích "Chỉ là trò đùa".

Dù thua kiện, John Leonard nhanh chóng trở thành cái tên được nhắc tới rộng rãi trên truyền thông. Câu chuyện của anh được chuyển thể thành phim tài liệu dài tập “Pepsi, Where’s My Jet?” phát hành trên Netflix năm 2022, tái hiện vụ kiện kỳ lạ giữa một sinh viên trẻ và gã khổng lồ ngành đồ uống.

Từ vụ việc, nhiều trường đại học đã đưa chiến dịch quảng cáo của Pepsi vào giáo trình như một ví dụ điển hình về ranh giới mong manh giữa sáng tạo và pháp lý trong tiếp thị. Trong kỷ nguyên mà quảng cáo có thể viral chỉ sau một đêm, những lời hứa “cho vui” hoàn toàn có thể biến thành rắc rối pháp lý thực sự nếu thiếu sự kiểm soát và cẩn trọng.

Chiếc máy bay chưa bao giờ được giao, nhưng vụ kiện của John Leonard đã "cất cánh" vào lịch sử ngành quảng cáo. Khi thị trường ngày càng cạnh tranh khốc liệt, bài học từ Pepsi là lời nhắc nhở rõ ràng: sự hài hước trong tiếp thị phải đi kèm trách nhiệm để tránh những cú "cất cánh" ngoài tầm kiểm soát.