Giữa làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0 và tốc độ đô thị hóa ngày càng mạnh mẽ, ngành Đường sắt tốc độ cao và Đường sắt đô thị đang nổi lên như một trong những lĩnh vực then chốt, góp phần định hình chất lượng sống và phát triển bền vững.
Tại Việt Nam, nhiều trường đại học đã chủ động đón đầu xu thế bằng cách mở rộng quy mô đào tạo, cập nhật chương trình giảng dạy nhằm cung cấp nguồn nhân lực kỹ thuật cao phục vụ cho những siêu dự án giao thông trong nước và quốc tế.
Để giúp thí sinh và phụ huynh có thêm cơ sở lựa chọn, dưới đây là tổng hợp thông tin tuyển sinh mới nhất về ngành Đường sắt tốc độ cao và Đường sắt đô thị tại một số cơ sở đào tạo trọng điểm trong cả nước.
![]() |
Ảnh minh hoạ |
Trường Đại học Giao thông vận tải
Tại trụ sở Hà Nội, theo đề án tuyển sinh năm 2025, chương trình đào tạo chuẩn ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông (chuyên ngành Đường sắt tốc độ cao và Đường sắt đô thị) tuyển sinh 45 chỉ tiêu. Nhà trường áp dụng ba phương thức xét tuyển gồm: Kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, Học bạ THPT và Kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội.
Các tổ hợp xét tuyển bao gồm A00, A01, D01, D07 và X06. Với tổ hợp D01 và D07, thí sinh cần học môn Vật lý và có điểm trung bình từ 5,5 trở lên trong cả ba năm THPT.
![]() |
Trường ĐH Giao thông vận tải. Ảnh: Tổng hợp |
Tại Phân hiệu TP.HCM, chỉ tiêu tuyển sinh là 50 và bổ sung thêm tổ hợp C01. Trường cũng sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM cho một trong ba phương thức tuyển sinh. Điều kiện môn Vật lý tương tự tại cơ sở Hà Nội.
Điểm chuẩn năm 2024 theo kết quả thi tốt nghiệp THPT là 21,15 điểm tại Hà Nội và 20,00 điểm tại TP.HCM.
Đại học Kiến trúc Hà Nội
Năm 2025, Đại học Kiến trúc Hà Nội dự kiến tuyển sinh ngành này theo ba phương thức: thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ 6 học kỳ và xét tuyển thẳng. Các tổ hợp xét tuyển đa dạng như A00, C01, C02, D01 và THM (Toán, Ngữ văn, Công nghệ), phù hợp với nhiều thế mạnh của thí sinh.
![]() |
Mã ngành, tổ hợp xét tuyển một số ngành của ĐH Kiến trúc Hà Nội. Ảnh: Tổng hợp |
Đại học Bách khoa – ĐH Đà Nẵng
Ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông tại Đại học Bách khoa – ĐH Đà Nẵng tuyển 105 chỉ tiêu, trong đó có chuyên ngành Đường sắt tốc độ cao và Đường sắt đô thị.
Nhà trường sử dụng 5 phương thức: xét tuyển thẳng, tuyển sinh riêng, thi tốt nghiệp THPT, học bạ và đánh giá năng lực của Đại học Bách khoa TP.HCM.
Điểm chuẩn theo phương thức thi tốt nghiệp THPT đạt 18 điểm (2023) và 18,35 điểm (2024).
Đại học Xây dựng Hà Nội
Chương trình đào tạo ngành này tuyển 50 chỉ tiêu năm 2025 và áp dụng tới 6 phương thức tuyển sinh: từ xét điểm thi THPT, học bạ đến các kỳ thi tư duy, đánh giá năng lực, chứng chỉ quốc tế (SAT, ACT) và thi đầu vào trên máy tính.
![]() |
Trường ĐH Xây dựng Hà Nội dành 50 chỉ tiêu cho ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông/ Đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị. Ảnh: Tổng hợp |
Học phí hệ chính quy chương trình chuẩn năm học 2025–2026 trung bình khoảng 18,5 triệu đồng/năm, tính theo tín chỉ, và có lộ trình điều chỉnh theo quy định mới. Trường cũng triển khai nhiều chính sách học bổng dành cho sinh viên có thành tích tốt hoặc hoàn cảnh khó khăn.
Đại học Cần Thơ
Tại Đại học Cần Thơ, ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông dự kiến tuyển 80 chỉ tiêu năm 2025. Trong đó có chuyên ngành Đường sắt tốc độ cao và Đường sắt đô thị. Trường áp dụng ba phương thức xét tuyển: điểm thi tốt nghiệp THPT, học bạ và kỳ thi V-SAT. Tổ hợp xét tuyển gồm A00, A01, TH4 và V00.
Lưu ý, phương thức xét điểm V-SAT không sử dụng tổ hợp có môn Tiếng Pháp, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.
Năm 2024, điểm chuẩn tổ hợp A00, A01 là 15 điểm. Năm 2023, mức trúng tuyển đạt 21,60 điểm.
Với vai trò then chốt trong phát triển giao thông bền vững, ngành Đường sắt tốc độ cao và Đường sắt đô thị đang được các trường đại học hàng đầu cả nước đầu tư mạnh mẽ cả về quy mô lẫn chất lượng.
![]() |
Thời gian tới, nước ta sẽ triển khai tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, đường sắt đô thị,... sinh viên tốt nghiệp sẽ có cơ hội là những người đầu tiên được làm việc, vận hành hệ thống này. Ảnh: Tổng hợp |
Những đổi mới trong phương thức tuyển sinh, chương trình học và chính sách học phí, học bổng không chỉ mở rộng cơ hội cho thí sinh mà còn góp phần hình thành đội ngũ kỹ sư giao thông trình độ cao – lực lượng không thể thiếu cho những công trình tầm vóc quốc gia trong tương lai.