VinFast khởi đầu hành trình tại Việt Nam với khát vọng tạo ra dòng xe mang dấu ấn “Made in Vietnam”. Khi những viên gạch đầu tiên được đặt xuống tổ hợp sản xuất tại Hải Phòng vào năm 2017, ít ai hình dung rằng một thương hiệu xe thuần Việt lại có thể tạo nên bước ngoặt cho ngành công nghiệp ô tô trong nước.

Trong khi các ông lớn ngành ô tô thế giới vẫn còn chần chừ giữa lằn ranh xăng - điện, VinFast đã đi một nước cờ táo bạo khi dừng toàn bộ sản xuất xe xăng để tập trung cho xe điện từ cuối năm 2022. Một quyết định mang tính lịch sử, không chỉ với hãng mà còn với toàn ngành ô tô Việt Nam như ông Vượng từng nói trước cổ đông năm 2019: “Xe điện là cơ hội để Vingroup và Việt Nam thay đổi được tầm vóc của mình”.

Hành trình bứt tốc từ chiến lược khác biệt

Chỉ sau hơn hai năm, VinFast đã ghi nhận những kết quả ấn tượng. Trong năm 2024, doanh số xe điện đạt hơn 87.000 xe, giúp hãng dẫn đầu thị trường xe điện trong nước. Bước sang nửa đầu năm 2025, VinFast tiếp tục giữ vững vị trí số 1 khi tiêu thụ hơn 67.500 xe.

Việc chuyển hướng sang xe điện từ rất sớm đã giúp VinFast đi trước một bước so với nhiều hãng khác vốn vẫn còn trong quá trình chuyển đổi. Hệ sinh thái hoàn chỉnh từ sản xuất, dịch vụ, hậu mãi đến hạ tầng sạc là một trong những lợi thế then chốt của hãng trong bối cảnh thị trường bắt đầu dịch chuyển.

Đặc biệt, tính đến cuối quý II/2025, hãng xe của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã hoàn thiện hơn 150.000 cổng sạc trên toàn quốc, giúp giải quyết nút thắt lớn nhất của người dùng khi cân nhắc chuyển đổi sang xe điện.

Bên cạnh đó, chiến lược kiểm soát chi phí toàn chuỗi từ sản xuất, linh kiện, phân phối cũng giúp VinFast chủ động trong bài toán giá thành. “Chúng tôi liên tục cải tiến và tái cấu trúc để cắt giảm mọi loại chi phí. Vì vậy, VinFast hoàn toàn có thể cạnh tranh ngang ngửa với các hãng xe quốc tế”, ông Vượng chia sẻ trong một phát biểu gần đây.

Gần 3 năm sau quyết định từ bỏ xe xăng, VinFast đứng trước cơ hội tái định hình ngành giao thông Việt
Cú hích lớn của VinFast trước cơ hội tái định hình ngành giao thông Việt Nam

Cú hích từ loạt chính sách hỗ trợ

Đà tăng trưởng của VinFast cũng nhận được cú hích từ các chính sách hỗ trợ xe điện của Chính phủ. Từ năm 2022, xe điện được miễn hoàn toàn lệ phí trước bạ trong 3 năm đầu và tiếp tục gia hạn đến hết tháng 2/2027. Ngoài ra, thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe điện chạy pin cũng được ưu đãi chỉ từ 1 - 3% (so với 35 - 150% của xe xăng cùng loại), dự kiến sẽ tăng lên 4 - 7% sau năm 2027 nhưng vẫn thấp hơn đáng kể so với xe dùng nhiên liệu hóa thạch. Song song đó, các Bộ ngành đang thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ xe điện, đặc biệt là mạng lưới trạm sạc.

Mới đây nhất, ngày 12/7/2025, Thủ tướng Chính phủ đã giao UBND TP. Hà Nội triển khai lộ trình hạn chế và tiến tới cấm xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch tại các vành đai. Theo kế hoạch, từ ngày 1/7/2026, khu vực Vành đai 1 sẽ dừng hoàn toàn xe máy và mô tô sử dụng xăng dầu. Đến 1/1/2028, lệnh hạn chế được mở rộng sang ô tô cá nhân ở Vành đai 1 và 2, và đến năm 2030 áp dụng cho toàn bộ phương tiện cá nhân dùng nhiên liệu hóa thạch trong phạm vi Vành đai 3.

Chính sách hạn chế xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch có thể tạo ra sự dịch chuyển đáng kể trên thị trường phương tiện cá nhân, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội - nơi có mật độ dân cư cao và nhu cầu đi lại lớn. Trong bối cảnh đó, những hãng xe điện đã đầu tư sớm vào hạ tầng và sản phẩm như VinFast sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi hơn để thích ứng và phát triển.

Đây không chỉ là cơ hội để VinFast mở rộng thị phần và quy mô hoạt động, mà còn tạo động lực phát triển cho hàng nghìn doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ, góp phần thúc đẩy ngành ô tô Việt Nam phát triển từ nền tảng nội lực. Đồng thời, việc chuyển đổi sang phương tiện xanh cũng góp phần giảm ô nhiễm môi trường, hướng tới một hệ thống giao thông bền vững và thân thiện hơn với môi trường.