Đây là nội dung đáng chú ý trong Thông tư 29/2025 mới được Bộ Tài chính ban hành và Cục Hải quan công bố kế hoạch triển khai.

Trước khi chính sách này có hiệu lực, các đơn hàng nhập khẩu trị giá dưới 1 triệu đồng được miễn cả thuế nhập khẩu lẫn thuế VAT. Điều này tạo thuận lợi lớn cho người tiêu dùng trong nước, đặc biệt với các sản phẩm mua qua các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới như từ Trung Quốc về Việt Nam.

Theo số liệu của cơ quan chức năng, mỗi ngày có từ 4 - 5 triệu đơn hàng nhỏ được vận chuyển vào Việt Nam, chủ yếu qua hình thức chuyển phát nhanh. Với lưu lượng lớn như vậy, việc miễn thuế đồng nghĩa với việc ngân sách Nhà nước bỏ lỡ một nguồn thu đáng kể.

Từ 1/8: Chính thức thu VAT tự động với hàng nhập khẩu dưới 1 triệu
Việc thu thuế các đơn hàng này sẽ được tiến hành tự động qua đơn vị chuyển phát nhanh. Ảnh minh họa

Để khắc phục khoảng trống trong quản lý thuế, Thông tư 29 quy định từ ngày 1/8, các đơn hàng nhập khẩu dưới 1 triệu đồng sẽ bị thu thuế VAT 10% thông qua cơ chế tự động, do các đơn vị chuyển phát nhanh chịu trách nhiệm thu và nộp. Mục tiêu là đảm bảo công bằng nghĩa vụ tài chính giữa các loại hình giao dịch, đồng thời hiện đại hóa quy trình thu thuế.

Bộ Tài chính ước tính, nếu chính sách được triển khai hiệu quả, ngân sách Nhà nước có thể tăng thu khoảng 2.700 tỷ đồng mỗi năm từ các đơn hàng nhỏ này.

Dù định hướng là “thu tự động”, nhưng trong giai đoạn đầu, hệ thống công nghệ của ngành hải quan chưa kịp hoàn thiện. Do đó, việc thu thuế vẫn phải tiến hành thủ công, khiến các doanh nghiệp chuyển phát nhanh phải đối mặt với nhiều áp lực về chi phí, nhân lực và thời gian xử lý. Cơ quan quản lý cũng chịu thêm gánh nặng giám sát và đối chiếu dữ liệu.

Đại diện Cục Hải quan cho biết, việc nâng cấp hạ tầng công nghệ đang được đẩy nhanh nhằm chuyển sang thu tự động hoàn toàn trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, cơ quan này cũng phối hợp với các doanh nghiệp chuyển phát để hướng dẫn quy trình thu - nộp, đảm bảo không làm gián đoạn hoạt động thương mại.