VN-Index khởi đầu tuần mới với đà giảm điểm cao nhất trong 4 tháng trở lại đây kèm với thanh khoản cao đột biến. Đến cuối giờ sáng ngày 18/3, chỉ số về thấp nhất tại 1.221,67 điểm, giảm 42,11 điểm.

Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số hồi phục lên 1243,56 điểm, giảm 20,22 điểm (-1,6%), thanh khoản 43.126 tỷ đồng, tương ứng 1,7 tỷ cổ phiếu, tăng 62% so với trung bình 20 phiên.

Điều gì khiến cổ phiếu bất động sản tăng mạnh, 'ngó lơ' nhịp điều chỉnh của VN-Index?
Nhiều cổ phiếu bất động sản tăng mạnh bất chấp thị trường giảm điểm

Bất chấp thị trường điều chỉnh mạnh, nhóm bất động sản không bị ảnh hưởng, nhiều cổ phiếu vẫn tiếp tục tăng mạnh kèm thanh khoản vượt trội như DIG (+6,84%), TCH (+6,77%), DXG (+3,83%), CEO (+3,62%),... Toàn ngành bất động sản tăng 0,68% - sắc xanh nhóm ngành hiếm hoi trong phiên giao dịch ngày 18/3.

Triển vọng nhóm bất động sản

Điều gì khiến cổ phiếu bất động sản tăng mạnh, 'ngó lơ' nhịp điều chỉnh của VN-Index?
Tăng trưởng thị trường bất động sản TP. HCM dần hồi phục (Nguồn: HoREA)

Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) đánh giá đến cuối năm 2023, thị trường bất động sản cả nước và TP. HCM đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất và bước vào chu kỳ phục hồi.

Với đà phục hồi như hiện tại, vị Chủ tịch HoREA cho rằng thị trường bất động sản sẽ trở lại hoạt động bình thường và bước vào chu kỳ phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững kể từ nửa cuối năm 2024, tạo đà để phát triển mạnh mẽ hơn kể từ đầu năm 2025 trở đi.

Hiện tại, Chính phủ đang nỗ lực giải quyết ba nút thắt lớn nhất trên thị trường BĐS nhà ở trong năm 2023 và đã xuất hiện những kết quả tích cực nhất định gồm: (1) Các kênh dẫn vốn: Mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm đáng kể từ vùng đỉnh, giúp cho các nhà phát triển BĐS dễ tiếp cận nguồn vốn hơn. (2) Vấn đề pháp lý: Chính quyền địa phương đang nỗ lực tháo gỡ vướng mắc cho các dự án; Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi đã được thông qua vào tháng 11/2023, Luật Đất đai sửa đổi được thông qua vào tháng 1/2024. (3) Cân bằng lại cán cân cung cầu trên thị trường: Chính phủ đã đặt mục tiêu sẽ xây ít nhất 1 triệu căn NOXH trong giai đoạn 2021-2030.

Điều gì khiến cổ phiếu bất động sản tăng mạnh, 'ngó lơ' nhịp điều chỉnh của VN-Index?
Tín dụng bất động sản liên tục tăng. (Số liệu từ NHNN)

Với đà hồi phục của thị trường, dư nợ tín dụng nhóm bất động sản liên tục tăng. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 1/2024, tín dụng lĩnh vực bất động sản đạt khoảng 2,89 triệu tỷ đồng, tăng 0,23% so với cuối năm 2023, chiếm 21,46% tổng dư nợ nền kinh tế, tỷ lệ nợ xấu là 2,73%.

Trong đó, dư nợ kinh doanh bất động sản đạt khoảng 1,11 triệu tỷ đồng, tăng 1,52%, chiếm 38,37% tổng dư nợ tín dụng bất động sản; dư nợ bất động sản tự sử dụng/tiêu dùng (cho vay người mua nhà, nhà đầu tư) đạt khoảng 1,78 triệu tỷ đồng, giảm 0,56%, chiếm 61,63% dư nợ tín dụng bất động sản.

Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm 2-2,5% kể từ đỉnh, giúp giảm bớt gánh nặng lãi vay lên các chủ đầu tư dự án bất động sản. VNDirect kỳ vọng biên lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp bất động sản sẽ có sự phục hồi trong các quý tới.