![]() |
![]() |
Năm 1983, theo Quyết định số 73/QĐUB của UBND TP.HCM, Công ty Công tư hợp doanh Xuất Nhập Khẩu Trực Dụng Quận 5 chính thức ra đời với tên gọi Cholimex. Đây không chỉ là doanh nghiệp xuất nhập khẩu trực tiếp đầu tiên tại TP. Hồ Chí Minh mà còn là mô hình công ty cổ phần đầu tiên với sự góp vốn của Nhà nước và tư nhân, mang tính thử nghiệm và đột phá của thành phố sau ngày đất nước thống nhất.
Chuyên gia kinh tế Phan Chánh Dưỡng – người được giao nhiệm vụ xây dựng Cholimex ngày đầu - kể lại với Doanh nhân Sài Gòn: “Tôi vốn gốc thầy giáo nên được giao phụ trách viết đơn từ, làm đề án”.
![]() |
Ông Dưỡng thú nhận, lúc đó bản thân chưa từng biết một hợp đồng đúng nghĩa, càng không hiểu gì về đề án kinh tế. “Thế mà cũng phải viết!”, ông cười nhớ lại.
Không có sách vở, cũng chẳng trường lớp, những kiến thức đầu tiên đến với vị chuyên gia này từ chính các thương gia người Hoa. Họ kể cho ông nghe về công việc xuất nhập khẩu. Từ đó, ông tổng hợp lại thành một tờ trình ngắn gọn, khoảng bảy trang đánh máy, liệt kê đủ các mặt hàng dự định xuất khẩu như cán chổi, hột vịt muối, bong bóng cá, gỗ...
“Lúc đó, chỉ biết sắp xếp lại cho ngăn nắp rồi trình lên trên”, ông nói và cho biết, qua 7 lần góp ý sửa đổi, tờ trình cuối cùng cũng được duyệt.
Điều đáng nhớ nhất là thương vụ xuất nhập khẩu đầu tiên của Cholimex theo phương thức "hàng đổi hàng", 70 tấn đậu phộng được xuất sang Hồng Kông (Trung Quốc), đổi lại 10 tấn nhựa, 10 tấn sợi, 10 tấn bột ngọt và… 1 tấn phèn chua.
Trong suốt một thập niên đầu hoạt động, mặc dù còn nhiều hạn chế, Cholimex đã góp phần giải quyết sự thiếu hụt vật tư, nguyên liệu, máy móc, thiết bị cho sản xuất công nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của Quận 5 nói riêng và TP. Hồ Chí Minh nói chung.
Năng lực sản xuất của công ty được mở rộng đáng kể với một hệ thống các xí nghiệp trực thuộc gồm xí nghiệp chế biến nông sản xuất khẩu, xí nghiệp chế biến hải sản xuất khẩu, xí nghiệp cơ điện tử, xí nghiệp công nghệ phẩm, xí nghiệp dược liệu và trung tâm điện toán.
![]() |
Sau cổ phần hóa vào năm 2016, Cholimex chuyển đổi thành CTCP XNK và Đầu tư Chợ Lớn, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con với vốn điều lệ là 866 tỷ đồng. Từ sau giai đoạn này, công ty hoạt động ổn định, chấm dứt thua lỗ, bắt đầu đẩy mạnh đầu tư phát triển, mở rộng quy mô và phạm vi hoạt động.
Ngày 1/3/2017, cổ phiếu công ty chính thức giao dịch trên sàn UPCOM với mã CLX. Hiện nay, Cholimex giữ vai trò trung tâm đầu tư chiến lược, tạo thành một hệ sinh thái đa ngành: thực phẩm, dệt may, công nghiệp, dịch vụ, logistics với 7 công ty con và công ty liên kết. Tổng nguồn vốn hợp nhất của Cholimex tính đến 31/12/2024 đã vượt 2.400 tỷ đồng.
![]() |
![]() |
![]() |
Trong giai đoạn đầu, từ 1983 đến 1985, Cholimex Food tập trung vào các mặt hàng nông sản và thủy hải sản sơ chế để xuất khẩu, chiếm tới 70% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn công ty.
Năm 1985, ban lãnh đạo Cholimex Food bắt đầu định hình chiến lược chuyển đổi, nghiên cứu và sản xuất thực phẩm đông lạnh, cùng những sản phẩm mới như chả giò, chạo tôm và đặc biệt là... tương ớt.
Năm 1989, chai tương ớt đầu tiên mang thương hiệu Cholimex chính thức ra mắt thị trường với quy trình sản xuất hoàn toàn thủ công, xay ớt bằng cối đá, chiết rót bằng tay...
Năm 1992, khi dây chuyền xay ớt hiện đại từ Thụy Sĩ được đưa vào sử dụng, công suất tăng vọt lên 30.000 chai/ngày. Cũng từ đây, tương ớt Cholimex theo chân lao động, du học sinh Việt Nam sang Đông Âu và xuất khẩu hàng chục container mỗi tháng sang Nga, Ba Lan, Ukraine.
Năm 1999, nhà máy mới tại KCN Vĩnh Lộc được xây dựng, đánh dấu bước chuyển mình sang mô hình công nghiệp hóa. Năm 2002, Cholimex Food triển khai loạt cải cách chiến lược như tái cấu trúc, tin học hóa vận hành và đạt chứng nhận ISO 9001:2000 cùng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm cho thị trường quốc tế.
Năm 2009, Cholimex Food ra mắt nước tương Hương Việt, tiếp tục mở rộng sang nước mắm và các dòng thực phẩm đông lạnh, nước chấm. Từ những chai tương ớt sản xuất thủ công, đến nay, sản phẩm “mang hương vị Việt” của Cholimex Food đã có mặt tại hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thương hiệu hiện diện tại chuỗi siêu thị toàn cầu như Walmart, Mark & Spencer, Trader Joe’s, Super U... và nhiều nền tảng thương mại điện tử.
Trong nước, Cholimex Food là một trong những doanh nghiệp đầu ngành gia vị, nước chấm, sở hữu mạng lưới phân phối phủ khắp cả nước với khoảng 100.000 điểm bán lẻ, 4.500 nhà hàng và hơn 7.000 siêu thị. Công ty cũng là nhà cung cấp gia vị của nhiều chuỗi thức ăn nhanh lớn như McDonald’s, KFC, Jollibee, Haidilao…
![]() |
![]() |
Năm 2006, Cholimex Food chính thức cổ phần hóa, hoạt động dưới tên gọi CTCP Thực phẩm Cholimex. Chỉ trong vòng sáu năm, doanh thu tăng gấp năm lần, từ 134,6 tỷ đồng (2007) lên 668,1 tỷ đồng (2012).
Với vị thế trong ngành gia vị và thực phẩm chế biến, Cholimex Food trở thành đối thủ “đáng gờm” của "ông lớn" Masan Consumer. Năm 2014, Masan công khai đề nghị mua lại 49% cổ phần Cholimex Food với mức định giá vào khoảng 357 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đề nghị không được hai cổ đông lớn là Cholimex và đối tác chiến lược Nhật Bản Nichirei Foods Inc chấp thuận. Kết quả, Masan chỉ mua được 32,83% cổ phần, không đủ tỷ lệ chi phối.
Ngày 30/11/2016, cổ phiếu CMF chính thức niêm yết trên sàn UPCoM với giá tham chiếu 90.000 đồng/cp. Đến giữa tháng 4/2025, thị giá CMF chạm đỉnh 330.000 đồng, tăng gần 4 lần so với định giá thời điểm Masan đặt vấn đề mua lại.
Sự “đắt đỏ” của cổ phiếu CMF đến từ hiệu quả hoạt động ổn định, khả năng sinh lời hấp dẫn cũng như cơ cấu cổ đông cô đặc. Hiện tại, 92,55% cổ phần Cholimex Food nằm trong tay ba cổ đông lớn, bao gồm Cholimex (40,72%), Masan (32,83%) và Nichirei (19%).
Cholimex Food là một trường hợp hiếm thấy trong ngành thực phẩm chế biến, với 15 năm liên tiếp CMF ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng dương. Năm 2024, công ty đạt doanh thu kỷ lục 3.717,2 tỷ đồng, lãi sau thuế 250 tỷ đồng. Năm 2025, đặt mục tiêu doanh thu 4.200 tỷ đồng và lợi nhuận 340 tỷ đồng.
![]() |
Với 8,1 triệu cổ phần lưu hành, EPS năm 2024 của CMF đạt hơn 28.000 đồng, cao vượt trội so với mức phổ biến 3.000–5.000 đồng trên thị trường. Một số “ông lớn” trong ngành hàng tiêu dùng nhưng Masan Consumer hay Vinamilk cũng chỉ có EPS dao động trong khoảng 4.300–7.000 đồng.
![]() |
Ngày 11/4, Cholimex Food chính thức khánh thành và đưa vào vận hành Nhà máy Chế biến thực phẩm Cholimex Food Bến Lức tại Khu công nghiệp Vĩnh Lộc 2, huyện Bến Lức, tỉnh Long An.
Dự án có tổng vốn đầu tư 850 tỷ đồng, được triển khai trên diện tích gần 4 ha, bao gồm hai nhà xưởng hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế. Đây là nhà máy thứ hai của Cholimex Food, đánh dấu bước tiến mới trong chiến lược mở rộng năng lực sản xuất của doanh nghiệp.
![]() |
“Bên cạnh việc nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường và tạo công ăn việc làm ổn định cho người lao động địa phương, nhà máy còn đặt nền móng cho giai đoạn phát triển mới – thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm và khẳng định vị thế của thương hiệu Cholimex Food trên thị trường”, ông Diệp Nam Hải, đại diện doanh nghiệp, nhấn mạnh.