Từ “vua xe tải” đến tay chơi bất động sản Hải Phòng
Từ giữa tháng 1/2025 đến nay, cổ phiếu HHS của CTCP Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy bất ngờ trở thành tâm điểm chú ý trên sàn HoSE. Dòng tiền đổ vào mã này mạnh mẽ, đẩy thị giá tăng gần 75%, đánh dấu một chuỗi tăng giá ấn tượng. Phiên giao dịch ngày 8/5, HHS tăng trần và chính thức chạm 12.250 đồng/cổ phiếu – mức cao nhất trong 10 năm qua.
Nếu tính từ vùng đáy thị trường chung vào tháng 11/2022 khi VN-Index lùi về mốc 873 điểm, cổ phiếu HHS đã có cú bứt phá ngoạn mục – tăng tới 420%, từ vùng giá chỉ hơn 2.400 đồng/cp. Đây là cú lội ngược dòng đáng kể với một cổ phiếu từng có giai đoạn rực rỡ, rồi rơi vào quên lãng.
Hoàng Huy HHS được thành lập năm 2008 bởi doanh nhân Đỗ Hữu Hạ, khởi đầu trong lĩnh vực nhập khẩu và phân phối xe tải hạng trung, hạng nặng. Năm 2010, công ty trở thành tổng đại lý độc quyền cho xe tải Dongfeng – Trung Quốc, nhanh chóng bứt phá nhờ đón đầu chính sách siết tải trọng và ưu đãi thuế giai đoạn 2014–2016.
Tuy nhiên, khi thị trường xe tải bão hòa từ 2016, HHS buộc phải tìm hướng đi mới. Bước ngoặt xảy ra năm 2017 khi công ty mua lại Pruska Việt Nam – chủ đầu tư dự án khu đô thị Pruska Town (Hải Phòng) – từ TCH, một công ty “cùng họ Hoàng Huy”. Song song đó, HHS và TCH hợp tác triển khai nhiều dự án tại Hải Phòng như U1–U2–U3 Lê Lợi, Đồng Quốc Bình, hay Chi Lăng – Thượng Lý.
Tiếp đà mở rộng, đến 2020, HHS mua lại 43,58% cổ phần của CTCP Tập đoàn BĐS CRV – một công ty con khác của TCH, chính thức ghi tên mình vào thị phần bất động sản Hải Phòng.
Cổ phiếu từng "lên đỉnh" rồi mất hút
HHS niêm yết trên HoSE từ 2012 với quy mô ban đầu 10 triệu cổ phiếu. Chỉ trong 3 năm (2012–2015), công ty tăng vốn điều lệ từ 100 tỷ lên 2.330 tỷ đồng thông qua hàng loạt đợt phát hành cổ phiếu, cổ tức và hoán đổi tài sản. Giai đoạn đó, cổ phiếu HHS từng tăng phi mã lên hơn 16.000 đồng/cp (đã điều chỉnh) và được lọt vào rổ VN30 tháng 7/2015.
![]() |
Một dự án của HHS tại Hải Phòng |
Tuy nhiên, đà tăng không bền. Cuối năm 2015, giá cổ phiếu sụt mạnh và bị loại khỏi VN30 chỉ sau một năm. Kể từ đó, HHS gần như đi ngang trong nhiều năm.
Quý I/2025, HHS ghi nhận doanh thu gần 99 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 67,5 tỷ đồng – con số tích cực nếu xét trong ngành bất động sản. Biên lợi nhuận ròng vẫn duy trì mức cao. Tuy nhiên, công ty bất ngờ ghi nhận khoản lỗ 145 tỷ đồng từ các công ty liên doanh liên kết, khiến lợi nhuận hợp nhất bị thu hẹp, bất chấp doanh thu tài chính trong kỳ đạt hơn 210 tỷ đồng (tăng 6 lần so với cùng kỳ).
Tính đến cuối tháng 3/2025, tổng tài sản HHS đạt gần 5.500 tỷ đồng, trong đó có hơn 1.200 tỷ đồng là tiền mặt, tương đương tiền và tiền gửi. Đáng kể nhất là khoản đầu tư hơn 3.275 tỷ đồng vào BĐS CRV – khoản mục liên kết chủ lực của HHS hiện nay.
Một điểm sáng nổi bật là cơ cấu tài chính lành mạnh: nợ phải trả tiếp tục giảm còn 572 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu đã vượt mốc 4.900 tỷ đồng. HHS trở thành một trong số ít doanh nghiệp bất động sản niêm yết “sạch nợ vay” trong bối cảnh ngành địa ốc vẫn đang đối mặt với khó khăn thanh khoản.
Từ đáy trở lại có phải đường dài?
Việc cổ phiếu HHS tăng mạnh trở lại trong bối cảnh dòng tiền tìm đến nhóm bất động sản có nền tảng tài chính tốt và khả năng xoay vốn chủ động là tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, với phần lớn giá trị tài sản tập trung ở công ty liên kết, tương lai HHS sẽ phụ thuộc nhiều vào hiệu quả hoạt động của CRV – nơi công ty đang "đặt cược" lớn.
Thị trường đang kỳ vọng liệu HHS chỉ bùng sáng nhất thời, hay thực sự đang bước vào chu kỳ tăng trưởng bền vững thứ hai?