Nhiều dự án lớn trên cả nước bị đình trệ
Theo thống kê, hiện mỗi ngày trên cả nước phát sinh khoảng 67.110 tấn chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) – tương đương với mức chi phí thu gom và xử lý lên đến 3,35 triệu USD/ngày. Tuy vậy, chỉ khoảng 16% lượng rác được chế biến thành phân compost, 19% được xử lý bằng phương pháp đốt hoặc tái chế, còn lại trên 60% vẫn phải chôn lấp.
![]() |
Nhiều dự án điện rác vẫn bộn bề khó khăn với rất nhiều thủ tục, nguyên nhân chủ yếu do chưa có hành lang pháp lý đầy đủ |
Thực trạng này không chỉ gây lãng phí tài nguyên mà còn làm gia tăng ô nhiễm môi trường, đặc biệt tại các đô thị lớn và khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh.
Trong bối cảnh yêu cầu bảo vệ môi trường ngày càng cao, cùng với xu hướng phát triển kinh tế xanh và tuần hoàn, công nghệ đốt rác phát điện (điện rác) không chỉ giúp xử lý rác thải hiệu quả hơn mà còn tạo ra nguồn năng lượng sạch, phù hợp với định hướng phát triển bền vững đã được xác lập tại các văn kiện lớn như Nghị quyết 24-NQ/TW về ứng phó với biến đổi khí hậu, hay Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tuy nhiên, theo nhóm nguyên cứu của VCCI, nhiều dự án lớn trên cả nước đang bị đình trệ, thậm chí không thể khởi động, do vướng mắc pháp lý trong quy trình đầu tư.
Quy định pháp luật hiện hành vẫn thiếu cơ chế riêng cho việc lựa chọn nhà đầu tư và ký kết hợp đồng theo hình thức đặt hàng dịch vụ xử lý CTRSH – vốn là đặc thù của các dự án điện rác. Luật Đấu thầu và các nghị định hướng dẫn chưa tạo điều kiện rõ ràng cho việc áp dụng hình thức này một cách minh bạch và hiệu quả. Trong nhiều trường hợp, các dự án bị "vướng" vào quy trình đấu thầu kéo dài hoặc không thể thực hiện theo đặt hàng do chưa đủ cơ sở pháp lý.
Vấn đề cam kết đầu vào, như là khối lượng rác ổn định để vận hành nhà máy cũng là một nút thắt lớn. Nhiều nhà đầu tư lo ngại rằng dù đã đầu tư hạ tầng xử lý hiện đại, họ vẫn không được bảo đảm nguồn rác đủ về số lượng và ổn định về chất lượng, do các quy hoạch quản lý chất thải tại địa phương chưa rõ ràng, hoặc do chưa có cơ chế ràng buộc trong hợp đồng giữa nhà nước và doanh nghiệp.
Nhiều dự án cũng bị trì hoãn vì thiếu sự đồng bộ giữa quy hoạch cấp tỉnh và quy hoạch cấp vùng/quốc gia. Không ít nơi phê duyệt chủ trương đầu tư mà chưa có bãi rác tập trung phù hợp, hoặc chưa có hệ thống thu gom đủ rộng để cung cấp rác cho nhà máy phát điện. Điều này làm phát sinh mâu thuẫn trong khâu triển khai hạ tầng kỹ thuật và khiến nhà đầu tư e ngại.
Ngoài ra, vẫn còn thiếu hướng dẫn chi tiết và hợp đồng mẫu cho hình thức hợp tác công – tư (PPP) trong lĩnh vực điện rác. Dù Luật PPP đã có hiệu lực từ năm 2021, song đến nay nhiều địa phương vẫn loay hoay trong việc xây dựng đề án, hồ sơ mời thầu, lựa chọn nhà đầu tư, đặc biệt đối với mô hình BOT hoặc BOO áp dụng cho các dự án xử lý chất thải.
Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra, các chính sách ưu đãi cho lĩnh vực điện rác còn phân tán và thiếu rõ ràng. Nhiều địa phương không biết áp dụng mức giá mua điện nào đối với phần điện năng phát ra từ rác, hoặc không rõ ràng trong quy trình miễn giảm thuế đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, vay vốn ưu đãi…
Những nút thắt nói trên đang khiến nhiều nhà đầu tư – cả trong và ngoài nước – phải cân nhắc lại kế hoạch rót vốn vào lĩnh vực điện rác, dù đây được đánh giá là một trong những hướng đi then chốt cho mục tiêu phát triển bền vững, giảm phát thải và hiện đại hóa ngành quản lý chất thải tại Việt Nam.
Cần thiết lập các cam kết cụ thể
ThS. LS. Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Vietthink cho rằng cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý để tháo gỡ các điểm nghẽn đang cản trở dòng vốn vào các dự án điện rác tại Việt Nam.
![]() |
Cần thiết lập các cam kết cụ thể. |
Theo bà Hà, trước hết, cần bổ sung cơ chế đặc thù cho phép áp dụng hình thức đặt hàng dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) đối với các dự án điện rác, thay vì buộc phải đấu thầu lại một lần nữa sau khi đã được lựa chọn làm nhà đầu tư.
Để đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả sử dụng ngân sách, nhà nước có thể quy định rõ điều kiện áp dụng hình thức đặt hàng, thời điểm và thời hạn đặt hàng, cơ chế điều chỉnh giá dịch vụ áp dụng riêng cho điện rác.
Thứ hai, cần thiết lập cơ chế cam kết cụ thể từ phía chính quyền địa phương về việc cung cấp ổn định khối lượng rác đầu vào cho các nhà máy điện rác đã được phê duyệt. Đây là yếu tố then chốt để nhà đầu tư yên tâm vận hành nhà máy và thu hồi vốn. Giải pháp có thể là ban hành mẫu hợp đồng dịch vụ xử lý CTRSH phát điện riêng cho loại hình này, trong đó quy định rõ trách nhiệm và cam kết của các bên.
Thứ ba, cần rà soát và hoàn thiện quy hoạch quản lý chất thải ở cấp tỉnh, vùng và liên vùng, nhằm phân bổ hợp lý các cơ sở xử lý và đảm bảo luồng thu gom, vận chuyển rác đến các khu xử lý tập trung. Một khi các dự án điện rác được phân bổ đúng trong quy hoạch tổng thể và phù hợp với quy hoạch quản lý CTRSH, bài toán về đảm bảo đầu vào cho nhà máy sẽ được giải quyết bền vững.
Thứ tư, sớm ban hành quy định hướng dẫn chi tiết và hợp đồng mẫu cho các dự án điện rác theo hình thức đối tác công – tư (PPP). Việc này không chỉ tạo hành lang pháp lý minh bạch cho các nhà đầu tư mà còn giúp các địa phương chủ động trong kêu gọi đầu tư, lựa chọn đối tác chiến lược và kiểm soát chất lượng dịch vụ công.
“Nếu các đề xuất nêu trên được xem xét và thể chế hóa sớm, Việt Nam sẽ có thêm công cụ hiệu quả trong việc xử lý rác thải, bảo vệ môi trường và phát triển năng lượng tái tạo. Quan trọng hơn, đó là bước tiến lớn để biến điện rác từ một ý tưởng tốt thành một dòng đầu tư xanh, hiệu quả và bền vững” - ThS. LS. Nguyễn Thanh Hà cho hay.