Doanh nghiệp châu Âu lo ngại CBAM gây đứt gãy chuỗi cung ứng thép

Từ ngày 2-3/7/2025, tại hội nghị kỷ niệm 75 năm thành lập Liên đoàn các hiệp hội kinh doanh thép, ống và kim loại châu Âu (Eurometal), Công ty Nghiên cứu thị trường GMK Center đã dẫn báo cáo của S&P Global chỉ ra rằng các nhà phân phối và thương nhân kim loại tại EU bày tỏ một số quan ngại liên quan đến Cơ chế điều chỉnh carbon tại biên giới (CBAM).

Những lo ngại chủ yếu xoay quanh việc thiếu minh bạch trong các tiêu chuẩn phát thải, chi phí toàn chuỗi và gánh nặng tài chính dài hạn đối với chuỗi cung ứng.

Theo một nhà phân phối đến từ Đức, hiện tại không ai có thể ước tính biên lợi nhuận sau khi CBAM được triển khai đầy đủ, khiến công tác lập kế hoạch trở nên vô cùng khó khăn.

Doanh nghiệp EU lo đứt gãy chuỗi cung ứng thép vì chính sách mới, Hòa Phát thoát hiểm nhờ ‘nước cờ’ chiến lược
Ảnh: Eurometal

Các đại biểu tham dự hội nghị cho biết các doanh nghiệp chế biến, chế tạo – đặc biệt là trong các lĩnh vực như ô tô và thiết bị gia dụng – yêu cầu mức giá cố định, nhưng lại không sẵn sàng chấp nhận sự biến động có thể phát sinh từ CBAM. Một số diễn giả cảnh báo nguy cơ gián đoạn nguồn cung trong quý I/2026, khi CBAM bắt đầu phát huy toàn bộ hiệu lực, buộc người mua phải thanh toán các khoản phụ phí bất ngờ.

Theo công ty phân tích GMK Center, việc quản lý quá mức và thiếu quyết đoán đang làm xói mòn niềm tin vào khả năng đạt được các mục tiêu khí hậu và thương mại của EU. Đồng thời, các doanh nghiệp vừa và nhỏ không thể tự mình đối phó với sự bất định mà CBAM mang lại.

Nhiều nhà phân phối phải dựa vào các tập đoàn thương mại lớn để tính toán chi phí điều chỉnh carbon xuyên biên giới cũng như giá thành hàng hóa nhập khẩu .

Họ cũng lưu ý rằng mặc dù thép xanh có tiềm năng thực sự trong quá trình khử carbon, nhưng nhu cầu tiêu dùng hiện vẫn còn yếu do nhận thức chưa rõ ràng về giá trị của loại sản phẩm này và thiếu các chính sách khuyến khích tái chế. Những chính sách đó có thể bao gồm trợ cấp của chính phủ hoặc các quy định về mua sắm xanh.

Ngoài ra, các bên tham gia thị trường nhấn mạnh rằng các cơ chế bảo hộ hiện tại của EU vẫn chưa đủ để ngăn chặn tình trạng hàng nhập khẩu có giá thấp hơn giá thị trường.

Hiện tại, Ủy ban châu Âu hiện đang tiến hành tham vấn công khai về cơ chế CBAM. Mục tiêu của cuộc tham vấn là thu thập ý kiến từ các bên liên quan nhằm xây dựng chính sách cho việc mở rộng phạm vi áp dụng cơ chế, các biện pháp chống lẩn tránh và quy định đối với ngành điện. Cuộc tham vấn sẽ kéo dài đến ngày 26/8 và dự kiến chính sách sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2026 sau giai đoạn thử nghiệm từ năm 2023 đến 2025.

Hòa Phát và kế hoạch 4 năm chuẩn bị ứng phó

Chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2022, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) - ông Trần Đình Long từng tiết lộ công ty đang nghiên cứu làm "thép xanh" thân thiện với môi trường.

Thép xanh là loại thép được sản xuất bằng công nghệ thân thiện với môi trường, không phát thải hoặc phát thải rất ít khí carbon ra ngoài môi trường. Nếu như việc sản xuất thép bằng phương pháp truyền thống sử dụng than cốc nung chảy quặng sắt trong các lò cao, thì thép xanh sử dụng khí hydro xanh hoặc khí gas tự nhiên thay vì than cốc.

Ngoài ra, phương pháp sử dụng lò đốt sinh khối (Biomass) cũng là một giải pháp. Lò đốt sinh khối là một công nghệ đốt khí sinh học (CO, H2, CH4, ...) được tạo ra bởi quá trình phản ứng nhiệt phân trong môi trường yếm khí của các nguyên liệu sinh khối như gỗ, trấu, phụ phẩm nông nghiệp,...

Ông Trần Đình Long chia sẻ lý do Hòa Phát muốn làm thép xanh là vì đây là xu hướng chung của thế giới, đặc biệt là các nước châu Âu, Mỹ, G7 cũng đang phát triển thép xanh theo nhiều phương pháp khác nhau.

Doanh nghiệp EU lo đứt gãy chuỗi cung ứng thép vì chính sách mới, Hòa Phát thoát hiểm nhờ ‘nước cờ’ chiến lược
Ông Trần Đình Long chia sẻ kế hoạch sản xuất thép xanh tại ĐHĐCĐ thường niên 2022

Với mục tiêu trở thành một trong những tập đoàn sản xuất thép hàng đầu khu vực, Hòa Phát đã và đang tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất và ứng dụng công nghệ thép xanh. Dung Quất 2, một dự án chiến lược của tập đoàn, sẽ nâng cao công suất sản xuất thép xanh, tiếp tục khẳng định cam kết của Hòa Phát trong việc giảm phát thải và bảo vệ môi trường.

Năm 2024, CTCP Thép Hòa Phát Dung Quất đã được BSI - Tổ chức Chứng nhận Quốc tế hàng đầu của Vương quốc Anh xác nhận hoàn thành Báo cáo Kiểm kê khí nhà kính cho doanh nghiệp theo yêu cầu của Tiêu chuẩn ISO 14064-1:2018. Đây là một trong những chương trình mà doanh nghiệp sản xuất thép phải triển khai, làm tiền đề đáp ứng các yêu cầu khác khi xuất khẩu hàng hóa ra thị trường thế giới, nhất là khu vực EU.

Doanh nghiệp EU lo đứt gãy chuỗi cung ứng thép vì chính sách mới, Hòa Phát thoát hiểm nhờ ‘nước cờ’ chiến lược
Ông Lê Duyên Anh – Tổng Giám đốc BSI Việt Nam trao giấy cho ông Hồ Đức Thọ – Phó Giám đốc Công ty Thép Hòa Phát Dung Quất (bên phải) (Ảnh: Hòa Phát)

Trước đó, Hòa Phát đã áp dụng công nghệ sản xuất tuần hoàn khép kín vào sản xuất tại tất cả các khu liên hợp sản xuất gang thép. Doanh nghiệp đã tính toán kỹ lưỡng và dành tới 30% vốn đầu tư cho các hạng mục môi trường.

Các khu liên hợp sản xuất gang thép của doanh nghiệp tại Hải Dương và Dung Quất đều áp dụng hàng loạt các giải pháp và ứng dụng công nghệ mới nhất để tối ưu sản xuất cũng như tiết kiệm năng lượng.

Tính riêng năm 2023, tổng lượng điện phát của các nhà máy điện nhiệt dư thuộc Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát tại Hải Dương và Dung Quất đạt 2,4 tỷ kWh, giúp Hòa Phát tự chủ khoảng 80% lượng điện năng cho sản xuất. Trong đó, sản lượng điện tự phát của Hòa Phát Dung Quất ghi nhận đạt 1,96 tỷ kWh.

Ngoài sử dụng nhiệt dư trong luyện coke để phát điện, khu liên hợp còn tận dụng khí than dư thừa trong luyện gang, thép làm nhiên liệu cho nồi hơi để phát điện. Công nghệ sản xuất điện năng này đã góp phần bảo vệ môi trường, giảm lượng phát thải CO2 so với loại hình phát điện nhiệt than có công suất tương đương.

Hiện nay, Hòa Phát áp dụng các giải pháp sản xuất thép tiết kiệm năng lượng gồm: Thu hồi nhiệt dư, tận dụng phục vụ cho phát điện để cung cấp cho sản xuất; Sử dụng công nghệ dập cốc khô thân thiện với môi trường để sản xuất điện; Công nghệ tuabin thu hồi năng lượng quạt gió lò cao; Sử dụng nhiệt dư để sản xuất điện trong quá trình thiêu kết quặng.

Đặc biệt, công nghệ đúc - cán liên tục, tận dụng nhiệt từ phôi nóng giúp tiết giảm tối đa sử dụng năng lượng, làm giảm chi phí sản xuất, đồng thời giảm phát thải CO2/tấn sản phẩm.