Trước phản ánh của nhiều doanh nghiệp bán lẻ về việc chiết khấu xăng dầu giảm mạnh thời gian qua, đại diện Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đã chính thức làm rõ vấn đề.
Theo cơ quan này, chiết khấu là phần giảm giá mà doanh nghiệp bán xăng dầu dành cho bên mua, thường là các đại lý bán lẻ, so với giá bán lẻ niêm yết. Đây là yếu tố linh hoạt, phụ thuộc hoàn toàn vào quan hệ thị trường, từ biến động cung cầu, giá xăng dầu thế giới đến chiến lược kinh doanh của từng thương nhân đầu mối. Pháp luật hiện hành không có quy định cứng nào về mức chiết khấu, cũng không can thiệp trực tiếp vào việc các doanh nghiệp đàm phán với nhau.
Nghị định 80/2023/NĐ-CP (sửa đổi Nghị định 95 và Nghị định 83) đã cho phép đại lý bán lẻ ký hợp đồng với tối đa 3 thương nhân đầu mối hoặc phân phối. Điều này giúp họ chủ động hơn trong lựa chọn nguồn hàng và tìm được mức chiết khấu hợp lý thay vì lệ thuộc vào một đầu mối duy nhất.
![]() |
Doanh nghiệp bán lẻ "kêu trời" vì chiết khấu xăng dầu giảm mạnh |
Về bối cảnh gần đây, đại diện Bộ Công Thương cho biết: Trong hai tuần cuối tháng 6, thị trường thế giới chịu ảnh hưởng bởi căng thẳng tại Trung Đông, khiến giá dầu tăng vọt và nguy cơ đứt gãy nguồn cung trở nên rõ rệt. Một số đầu mối trong nước đã cắt giảm chiết khấu xuống mức rất thấp, chỉ còn 100–500 đồng/lít. Tuy nhiên, đến ngày 25/6, tình hình có dấu hiệu hạ nhiệt, giá dầu hạ nhiệt trở lại, kéo theo chiết khấu cũng được điều chỉnh tăng lên.
Cập nhật ngày 30/6, chiết khấu tại một số doanh nghiệp đầu mối như sau: Phúc Lâm (2.600 đồng/lít); Tổng Công ty Xăng dầu Quân đội (1.800–2.300 đồng/lít); PVOil (2.300–2.400 đồng/lít); Saigon Petro (xăng 1.600 đồng, dầu 1.400 đồng/lít); Petrolimex (1.700–1.900 đồng/lít).
Bộ Công Thương nhấn mạnh, các đại lý và cửa hàng bán lẻ xăng dầu tham gia kinh doanh cần chấp nhận quy luật cung – cầu của thị trường và chủ động xây dựng kế hoạch kinh doanh phù hợp để ứng phó với biến động.
Khi giá xăng dầu thế giới hạ nhiệt, nguồn cung dồi dào, các doanh nghiệp đầu mối có thể áp dụng mức chiết khấu cao cho hệ thống bán lẻ. Ngược lại, trong giai đoạn giá dầu tăng mạnh hoặc có nguy cơ thiếu hụt nguồn cung, chiết khấu có thể giảm sâu, thậm chí âm. Dù vậy, doanh nghiệp bán lẻ vẫn cần nhập hàng để duy trì hoạt động và chờ cơ hội được hưởng chiết khấu tốt hơn ở chu kỳ sau.