Tại hội thảo "Đối thoại Tháng 7: Kinh tế vĩ mô và Thị trường chứng khoán", ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho hay Chính phủ đã và đang tích cực phối hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ nhằm đưa nguồn vốn lan toả trong nền kinh tế.

Theo ông Phạm Chí Quang, thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại đang dư thừa, điều quan trọng là làm sao để vốn tín dụng “ngấm” vào doanh nghiệp và nền kinh tế. Theo đó, có 3 động lực chính để khơi thông nguồn vốn tín dụng trong bối cảnh hiện tại là đầu tư công, xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Theo đó, đầu tư công vẫn còn khó khăn, chưa có sự lan tỏa đối với đầu tư tư nhân. Trong khi đó, xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm tốc cho thấy nền kinh tế đang co rút, GDP đang thu hẹp. Điều này dẫn tới tổng cầu giảm, nhu cầu vốn tín dụng cũng giảm theo.

Động lực nào để khơi thông nguồn vốn tín dụng?
ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước

Về nhu cầu tiêu dùng trong nước, thị trường việc làm ảm đạm hiện nay không kích thích được tiêu dùng. Thống kê sơ bộ cho thấy, trên 95% doanh nghiệp tại Việt Nam hiện là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong bối cảnh khó khăn, doanh nghiệp vừa và nhỏ là đối tượng chịu tác động rất lớn, khả năng tiếp cận vốn ngày càng thu hẹp.

Trong thời gian qua, NHNN đã có hai chính sách then chốt để tăng cường khả năng hấp thụ vốn tín dụng là Thông tư 02/2023/TT-NHNN và Thông tư 06/2023/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 39/2016/TT-NHNN.

Đối với thị trường vốn, ông Quang chỉ rõ, thị trường chứng khoán thời gian qua đã có những tín hiệu tích cực, tuy nhiên chưa đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế, đặc biệt là thị trường trái phiếu doanh nghiêp. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã và đang trải qua giai đoạn khó khăn. Cần có chính sách điều phối hài hoà, để làm sao thị trường này sôi động trở lại, khơi thông nguồn vốn cho nền kinh tế.

"Một vấn đề đáng quan tâm hiện nay là chất lượng doanh nghiệp suy giảm, năng lực tài chính đi xuống nên cung cầu tín dụng khó gặp nhau. Trong khi đó, muốn cho cung cầu gặp nhau thì phải nâng chuẩn bên vay nợ", ông Phạm Chí Quang cũng phân tích thêm.

Bên cạnh đó, ông nhấn mạnh rằng cần phải sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến các quỹ hỗ trợ doanh nghiệp như quỹ bảo lãnh cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ. Song song, các chính sách tài khóa cần phát huy hết tác dụng, qua đó, góp phần nâng cao khả năng hấp thụ các nguồn vốn đi vào thị trường.