Singapore, Thái Lan mất vị thế hút vốn
Theo báo cáo của KIS Research, Singapore ghi nhận mức rút vốn mạnh nhất trong tháng 4/2025 với tổng dòng vốn âm 214,2 triệu USD, trong đó riêng dòng tiền ETF rút ra tới 208,8 triệu USD. Đây là mức rút ròng ETF cao nhất tại Singapore trong một tháng kể từ đầu năm 2024 đến nay, cho thấy áp lực thoái vốn đang lan rộng tại trung tâm tài chính lớn nhất khu vực. Nguyên nhân chủ yếu đến từ sự điều chỉnh của nhóm cổ phiếu công nghệ và tài chính – hai lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục ETF tại Singapore – trong bối cảnh Fed tiếp tục trì hoãn lộ trình giảm lãi suất.
![]() |
Diễn biến dòng vốn quỹ tại các quốc gia Đông Nam Á theo tháng. Nguồn: Bloomberg, KIS Research. |
Thái Lan đứng thứ hai về mức độ rút vốn với tổng dòng rút ròng tháng 4 đạt 76,2 triệu USD, trong đó ETF chỉ ghi nhận dòng vào nhẹ 1,3 triệu USD. Mặc dù mức rút vốn thấp hơn Singapore, nhưng tỷ lệ rút vốn so với tổng tài sản quỹ (AUM) của Thái Lan lên tới 1,16% – cao nhất trong khối ASEAN-6. Đây cũng là tháng thứ bảy liên tiếp Thái Lan ghi nhận dòng vốn rút ròng, nâng tổng giá trị thoái vốn trong vòng 12 tháng qua lên tới 1.267 triệu USD – cao nhất toàn khu vực. Xu hướng này phản ánh sự kém hấp dẫn của chỉ số SET và tâm lý phòng thủ cao độ từ giới đầu tư tổ chức toàn cầu.
Trong khi đó, Indonesia là quốc gia duy nhất ghi nhận dòng vốn vào trong tháng 4, với giá trị ròng dương 4,8 triệu USD, chủ yếu đến từ nhóm ETF. Tuy nhiên, tính trong sáu tháng gần nhất, Indonesia vẫn bị rút ròng tổng cộng 133 triệu USD, cho thấy đây chỉ là diễn biến hồi phục kỹ thuật tạm thời chứ chưa đủ để khẳng định sự đảo chiều trong xu hướng dòng tiền.
Việt Nam ổn định hơn trong tâm bão dòng tiền
So với các quốc gia khác trong ASEAN-6, Việt Nam là thị trường có mức độ rút vốn nhẹ nhất trong tháng 4/2025, với tổng dòng vốn ròng âm 55,1 triệu USD. Đáng chú ý, áp lực rút vốn đã hạ nhiệt rõ rệt so với tháng 3, khi mức rút ròng là 118,9 triệu USD. Tuy nhiên, dòng vốn ETF vẫn tiếp tục bị rút mạnh với 93,1 triệu USD, trong khi dòng tiền vào chủ yếu ghi nhận ở các quỹ chủ động và một số ETF nội địa.
![]() |
Dòng vốn ròng ETF và tổng dòng vốn ròng tại Đông Nam Á (theo tháng và theo quốc gia). Nguồn: Bloomberg, KIS Research. |
Dẫn đầu danh sách rút vốn là Fubon FTSE Vietnam ETF với mức thoái vốn 39,9 triệu USD trong tháng 4, tiếp theo là Vaneck Vietnam ETF với 14,6 triệu USD. Ngược lại, DCVFMVN30 ETF – một quỹ nội địa – ghi nhận dòng vốn vào 4,9 triệu USD. Diễn biến này cho thấy hiện tượng "thiên lệch nội địa" (home bias) đang đóng vai trò như một lớp đệm hấp thụ áp lực rút vốn từ khối ngoại, đặc biệt trong bối cảnh tâm lý nhà đầu tư trong nước duy trì tích cực hơn so với khu vực.
Tính đến cuối tháng 4, tổng tài sản quản lý (AUM) của các quỹ đầu tư vào Việt Nam đạt 2.520 triệu USD, trong đó các quỹ ETF chiếm 1.592 triệu USD và các quỹ chủ động chiếm 927 triệu USD. Tỷ lệ rút vốn/AUM chỉ ở mức 0,55%, thấp hơn nhiều so với Thái Lan và Singapore – hai quốc gia có quy mô AUM lớn hơn nhưng lại chịu áp lực thoái vốn cao hơn. Điều này phản ánh khả năng "chống sốc" dòng tiền khá tốt của thị trường vốn Việt Nam trong giai đoạn khó khăn hiện tại.
![]() |
Thay đổi tổng tài sản quản lý (AUM) và phân bổ dòng vốn theo quốc gia tại Đông Nam Á. Nguồn: Bloomberg, KIS Research. |
Cổ phiếu phòng thủ và chính sách hỗ trợ giúp thị trường “giữ nhịp”
Một yếu tố giúp Việt Nam giữ được sự ổn định chính là cấu trúc phân bổ ETF thiên về các nhóm ngành phòng thủ và có nền tảng cơ bản vững vàng. Theo KIS Research, top 10 cổ phiếu được các quỹ ETF nắm giữ nhiều nhất tại Việt Nam gồm Techcombank (71,4 triệu USD), FPT (58,9 triệu USD), MWG (57,8 triệu USD), Vingroup (55,4 triệu USD), Vinhomes (47,2 triệu USD), Hòa Phát (44,5 triệu USD), ACB (42,5 triệu USD), Vietcombank (36,9 triệu USD), PNJ (36,7 triệu USD) và MBBank (34,3 triệu USD). Nhóm này chủ yếu đến từ ngành ngân hàng, công nghệ, bất động sản và tiêu dùng không thiết yếu – các lĩnh vực có sức bật lợi nhuận cao hoặc nền tảng tài chính vững chắc.
Ngoài yếu tố danh mục ETF, bối cảnh vĩ mô tích cực cũng đóng vai trò thiết yếu trong việc giữ chân dòng tiền. GDP quý I/2025 của Việt Nam tăng trưởng 6,93% – mức cao nhất kể từ 2020 – trong khi lạm phát duy trì dưới 4%, giúp chính sách tiền tệ có dư địa nới lỏng. Lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước vẫn ở mức thấp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau giai đoạn khủng hoảng bên ngoài. Đây là các yếu tố then chốt tạo ra niềm tin cho cả nhà đầu tư trong và ngoài nước trong trung hạn.
Tính từ đầu năm 2024 đến hết tháng 4/2025, tổng giá trị rút vốn khỏi thị trường Việt Nam là 527 triệu USD, thấp hơn nhiều so với Thái Lan (1.267 triệu USD) và chỉ xấp xỉ Singapore (102 triệu USD), bất chấp quy mô AUM của Việt Nam nhỏ hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, tỷ trọng dòng vốn của khu vực Đông Nam Á tập trung tại Việt Nam vẫn duy trì ở mức cao với 25% tổng vốn (vòng lớn) và 49% tổng vốn ETF (vòng nhỏ) – chỉ sau Singapore (31%) và Thái Lan (29%). Đây là bằng chứng cho thấy vị thế của Việt Nam trong chiến lược phân bổ vốn của các quỹ quốc tế vẫn rất đáng kể.
Trong bối cảnh dòng vốn toàn cầu đang tái cấu trúc do bất ổn kéo dài từ chính sách tiền tệ và địa chính trị, Việt Nam tiếp tục chứng tỏ sức bền tương đối tốt với cơ cấu ETF phòng thủ, lực cầu nội mạnh mẽ và nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định. Dù áp lực bán từ khối ngoại có thể vẫn còn tiếp diễn, nhưng thị trường vốn Việt Nam đang thể hiện rằng đây là một điểm đến an toàn hiếm hoi giữa vùng lạnh tài chính Đông Nam Á.