Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland – mã chứng khoán NVL) vừa công bố báo cáo tài chính năm 2024 đã được kiểm toán bởi Công ty TNHH Kiểm toán và Dịch vụ Tin học Moore AISC.

Kiểm toán lưu ý đến khả năng hoạt động liên tục của Novaland

Theo báo cáo, mặc dù kiểm toán viên không đưa ra ý kiến ngoại trừ, nhưng có lưu ý về khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp (trong thuyết minh III.2).

Cụ thể, năm 2024, Novaland ghi nhận khoản lỗ lên đến 4.395 tỷ đồng. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm 5.971 tỷ đồng (năm 2023 âm 7.626 tỷ đồng). Đáng chú ý, đến ngày 31/12/2024, Novaland chưa thực hiện một số nghĩa vụ trả nợ ngắn hạn liên quan đến các khoản vay và trái phiếu.

Giả định hoạt động liên tục trong báo cáo tài chính phụ thuộc vào các yếu tố sau:

  • Khả năng đàm phán với chủ nợ và trái để tái cấu trúc nợ

  • Khả năng bán tài sản theo giá dự kiến

  • Khả năng thu tiền từ các dự án đã và đang triển khai

  • Khả năng tiếp cận tín dụng mới, cũng như nhận hỗ trợ tài chính từ các cổ đông lớn theo cam kết

Kiểm toán viên nhận định các yếu tố này tiềm ẩn mức độ không chắc chắn trọng yếu, làm dấy lên nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của tập đoàn. Novaland có thể không thực hiện thành công một hoặc nhiều kế hoạch, kết hợp với các sự kiện và điều kiện khác trong tương lai, khiến tập đoàn không thể tiếp tục hoạt động liên tục. Trong trường hợp đó, Novaland không thể thu hồi được giá trị và thanh toán được các khoản nợ phải trả trong điều kiện kinh doanh bình thường.

Novaland đang gánh khoản nợ hơn 61.500 tỷ đồng

Tổng dư nợ vay và thuê tài chính ngắn hạn tính đến cuối năm 2024 là 36.978 tỷ đồng, tăng hơn 6.000 tỷ đồng so với đầu năm. Nợ dài hạn còn 24.587 tỷ đồng, giảm gần 2.200 tỷ đồng. Như vậy, tổng vay nợ thuê tài chính của Novaland đã vượt 61.500 tỷ đồng.

Trong đó, hơn 37.300 tỷ đồng là vay trái phiếu, gồm 22.700 tỷ đồng vay ngắn hạn. Ngoài ra, công ty còn vay hơn 15.800 tỷ đồng từ các ngân hàng và hơn 9.500 tỷ đồng từ bên thứ ba.

Novaland nhiều lần thông báo chậm trả gốc và lãi trái phiếu, gây áp lực lớn lên thanh khoản.

'Gánh' nợ 61.500 tỷ đồng, Novaland (NVL) bị kiểm toán lưu ý khả năng hoạt động liên tục
Nợ phải trả (ngắn và dài hạn) của Novaland

Novaland trông chờ vào đâu để tra nợ? Đây cũng là điều kiểm toán viên lưu ý tới người đọc. Hiện, doanh nghiệp đang trông chờ vào các nguồn:

  • Tiền và tương đương tiền hơn 4.600 tỷ đồng? Tuy vậy, phần lớn trong này đã dùng để bảo lãnh khoản vay;

  • Hàng tồn kho hơn 147.000 tỷ đồng? Tuy vậy, trong đó chỉ khoảng 8.500 tỷ đồng là sản phẩm đã hoàn thiện, còn lại chủ yếu là đang xây dựng;

  • Khoản phải thu từ khách hàng khoảng 3.000 tỷ đồng? Tuy vậy, đây chủ yếu là tiền giữ lại do chưa hoàn thành thủ tục cấp sổ hồng

Novaland lỗ kỷ lục trong năm 2024

Novaland ghi nhận doanh thu năm 2024 đạt 9.080 tỷ đồng, tăng hơn 90% so với năm trước. Tuy nhiên, do giá vốn cao, lãi gộp chỉ đạt gần 84 tỷ đồng, giảm mạnh so với 1.322 tỷ đồng của năm 2023.

Doanh thu tài chính đạt 5.940 tỷ đồng, chủ yếu từ lãi hợp tác đầu tư (3.713 tỷ đồng), lãi cho vay (1.478 tỷ đồng) và lãi chuyển nhượng vốn (275 tỷ đồng). Trong khi đó, chi phí tài chính tăng lên 4.710 tỷ đồng, bao gồm lỗ thoái vốn tại công ty con (794 tỷ đồng), chi phí hợp tác đầu tư (2.646 tỷ đồng) và chi phí lãi vay (291 tỷ đồng).

'Gánh' nợ 61.500 tỷ đồng, Novaland (NVL) bị kiểm toán lưu ý khả năng hoạt động liên tục
Kết quả kinh doanh của Novaland

Ngoài ra, thu nhập khác giảm mạnh từ 1.035 tỷ đồng (năm 2023) xuống 335 tỷ đồng; trong khi chi phí khác tăng từ 348 tỷ lên 2.284 tỷ đồng, do phát sinh các khoản phạt thuế chậm nộp (613 tỷ đồng) và vi phạm hợp đồng (580 tỷ đồng).

Tổng hợp lại, Novaland báo lỗ sau thuế 4.394 tỷ đồng trong năm 2024, mức lỗ kỷ lục so với khoản lãi gần 486 tỷ đồng năm 2023.