Sau nửa đầu năm 2021 tăng "phi mã", giá thép và nguyên liệu đầu vào (đặc biệt là quặng sắt) đang có dấu hiệu "hạ nhiệt".

Trên thị trường quốc tế, giá quặng sắt tiêu chuẩn 62% đã sụt giảm còn 164,5 USD/tấn trong phiên giao dịch 12/8, theo dữ liệu từ tradingeconomics. Mức giá này đã thấp hơn 29% so với đỉnh 232,5 USD/tấn thiết lập hồi giữa tháng 5 vừa qua.

Giá quặng sắt lao dốc, cơn sốt cổ phiếu thép dần hạ nhiệt - Ảnh 1.

Đà tăng của quặng sắt cũng như giá thép Trung Quốc bắt đầu bị chững lại và giảm chủ yếu do Chính phủ Trung Quốc bắt đầu can thiệp sâu hơn vào việc kiềm chế đà tăng nóng của giá thép.

Theo đà giảm trên thế giới, tại thị trường Việt Nam, kể từ giữa tháng 5 đến nay, giá thép cuộn CB240 của Việt Nam đã giảm liên tục khoảng 7 – 8% do thị trường trong nước hiện đang ở mùa tiêu thụ thấp điểm và giá nguyên liệu đầu vào như phôi thép đã ổn định hơn.

Tính riêng từ giữa tháng 7/2021 tới nay, giá thép xây dựng đã có hai đợt điều chỉnh giảm giá, nhiều công ty thép lớn trong nước đồng loạt thông báo giảm giá thép khoảng 100 nghìn – 400 nghìn đồng/tấn tùy thương hiệu và sản phẩm. Đáng chú ý, Thép Hòa Phát – chiếm hơn 30% thị phần thép nội địa – trong ngày 11/8 đã giảm giá thép cuộn CB240 150 đồng xuống còn 16.090 đồng/kg và giá thép D10CB300 giảm 310 đồng xuống còn 16.290 đồng/kg.

Có thể thấy kỷ lục về lợi nhuận ròng được của hầu hết doanh nghiệp thép Việt Nam nhờ hưởng lợi từ bối cảnh nhu cầu thép cao đưa mức giá tăng mạnh ở Việt Nam cũng như trên toàn cầu. Nhóm cổ phiếu ngành thép cũng vì vậy mà "dậy sóng" trong khoảng nửa đầu năm 2021.

Đến nay, việc giá cả lùi về mức ổn định làm dấy lên lo ngại cho giới đầu tư về sự kết thúc của siêu chu kỳ tăng giá vật liệu xây dựng, những nhịp điều chỉnh đan xen khiến sóng cổ phiếu thép dần chững lại.

Đu” cổ phiếu thép

"Cơn sốt" cổ phiếu ngành thép cũng không còn quá nóng như trước đó. Bên cạnh yếu tố giá thép giảm, áp lực chốt lời sau quãng tăng "nóng" cũng tác động tiêu cực lên diễn biến giá cổ phiếu. Thống kê trên thị trường, tính từ thời điểm cuối quý 2 trở lại đây, thị giá cổ phiếu thép đã giảm từ 6 - 15%, lác đác một số cổ phiếu nhỏ tăng với mức không đáng kể.

Cụ thể, thép Pomina (POM) trong phiên 12/8 giảm 1% xuống mức 14.500 đồng/cp, so với phiên 30/6 đã sụt giảm 15% về thị giá. Phiên 12/8 cũng đánh dấu phiên giảm điểm thứ 5 liên tiếp của cổ phiếu Gang thép Hà Nội (HSV), tương ứng giảm 14% so với cuối tháng 6.

Ngoài ra, cổ phiếu lớn như HPG cũng giảm 6%, HSG giảm 10%, TLH giảm 7% so với thời điểm cuối quý II.

Trong báo cáo công bố gần đây, CTCK Mirae Asset đã nhấn mạnh, giá thép xây dựng tăng cao trên 17,2 triệu/tấn sẽ tốt trong ngắn hạn, nhưng về dài hạn sẽ có những ảnh hưởng nhất định nhu cầu trực tiếp của ngành thép.

Đồng quan điểm, Chứng khoán VNDirect cho rằng, giá thép kỳ vọng giảm sẽ gây áp lực đáng kể lên biên lợi nhuận gộp của các công ty thép trong nửa cuối năm 2021 khi hàng tồn kho giá rẻ được tiêu thụ hết. Đặc biệt, mức ảnh hưởng sẽ lớn hơn đối với các công ty mảng tôn mạ.

Về ngắn hạn, nhiều đánh giá cho rằng nhóm cổ phiếu thép không còn nhiều động lực tăng trưởng do chịu nhiều áp lực, song nhà đầu tư vẫn có thể kỳ vọng vào thời điểm cuối năm – thời kỳ cao điểm của mùa xây dựng cũng như việc Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công – khi đó nhu cầu về thép sẽ tăng mạnh và là yếu tố hỗ trợ tích cực cho giá cổ phiếu.

Báo cáo mới đây của CTCK Bản Việt (VCSC) cho biết, nửa đầu năm 2021, lĩnh vực xây dựng phục hồi trở lại và duy trì tăng trưởng mạnh mẽ bất chấp dịch COVID-19 qua đó đóng góp mạnh mẽ vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam thông qua các hoạt động đầu tư phát triển đô thị, cơ sở hạ tầng và nhà ở.

Những tác động tiêu cực của dịch bệnh đối với nền kinh tế đã kích hoạt các biện pháp kích thích tài chính đáng kể từ Chính phủ, giúp phục hồi và thúc đẩy nhu cầu đối với vật liệu xây dựng kể từ năm nửa cuối 2020 cho đến nửa đầu năm 2021. Sản lượng tiêu thụ thép xây dựng và tổng doanh số tôn mạ, ống thép tại Việt Nam tăng trưởng lần lượt 14% và 36% so với cùng kỳ năm trước.

VCSC dự báo, tăng trưởng sản lượng vật liệu xây dựng sẽ phục hồi để đạt mức tăng trưởng xấp xỉ 10% trong năm 2021.

Về thị phần thép trong nước, HPG củng cố vị thế dẫn đầu khi chiếm 6% thị phần thép xây dựng vào năm 2020; 5 tháng đầu năm 2021 tăng trưởng sản lượng thép xây dựng cao nhất toàn ngành (+28% YoY). Động lực này sẽ kéo dài đến năm 2021 và được thúc đẩy bởi việc HPG đưa vào công suất mới từ dự án Khu Phức hợp Gang thép Dung Quất 1 (DQSC 1).

Trong tương lai, dự án mở rộng sắp tới của HPG là DQSC 2, sẽ chủ yếu tập trung vào thép cuộn cán nóng (HRC). Ngoài HPG, Formosa Hà Tĩnh là công ty duy nhất tại ở Việt Nam có khả năng sản xuất HRC. Điều này sẽ giúp định hình lại ngành thép trong nước khi Việt Nam hiện tại phải nhập khẩu 100% nhu cầu HRC để phục vụ cho ngành tôn mạ. VCSC dự báo nhu cầu HRC trong nước ước tính sẽ đạt khoảng 12 triệu tấn/năm.

Diễn biến nửa cuối của năm 2021, VCSC cho rằng, việc Trung Quốc bắt đầu giảm mức độ kích thích kinh tế sẽ tiếp tục kiềm hãm đà tăng giá thép toàn cầu. Ngoài ra, mặc dù giá thép cao mang lại lợi ích đáng kể cho các nhà sản xuất thép trong ngắn hạn, nhưng đồng thời tạo ra áp lực kinh tế đối với nhiều ngành công nghiệp hạ nguồn (xây dựng, chế tạo máy móc và bất động sản...) và kế hoạch đầu tư công. Tình hình này sẽ dẫn đến nhu cầu thép giảm và cuối cùng sẽ tự cân bằng cho sự gia tăng bất thường của giá cả.

Báo cáo lưu ý, chênh lệch giá giữa giá HRC đầu vào và thành phẩm đầu ra của các công ty tôn mạ đã mỏng hơn nhiều so với chênh lệch giá giữa quặng sắt và thép xây dựng. Điều này sẽ làm tăng nguy cơ làm giảm biên lợi nhuận khi hàng tồn kho có chi phí thấp dần đã hết và chi phí đầu vào sẽ bắt kịp so với giá sản phẩm hoặc giá sản phẩm giảm.

Theo VCSC, trong bối cảnh giá thép vọt tăng phi mã, ngoài lợi nhuận tuyệt đối cao hơn, biên lợi nhuận của các nhà sản xuất thép niêm yết tại Việt Nam cũng gia tăng nhờ hưởng lợi từ xu hướng tăng của cả nguyên liệu đầu vào (quặng sắt và HRC) và giá thép thành phẩm thông qua tích lũy nguyên liệu đầu vào với giá thấp hơn. Tuy nhiên, đà tăng của giá thép được dự báo sẽ hạ nhiệt vào nửa cuối năm 2021, tạo ra sự đảo chiều trong biên lợi nhuận gộp.

Biên lãi ngành thép sẽ đổi chiều trong nửa cuối 2021, giá cổ phiếu chuẩn bị bước vào nhịp điều chỉnh dưới áp lực chốt lời - Ảnh 3.

VCSC dự báo, HPG, HSG và NKG sẽ chỉ ghi nhận biên lợi nhuận gộp của quý II/2021 cao hơn so với cùng kỳ và sau đó sẽ điều chỉnh giảm khi trở nên nhạy cảm hơn với biến động của giá thép trong 2 quý cuối năm 2021.

Đáng chú ý, VCSC đưa ra nhận định, giá cổ phiếu ngành thép phần lớn đã phản ánh kỳ vọng lợi nhuận cao của các công ty thép. Theo đó, kết quả kinh doanh khả quan và kỳ vọng của thị trường trong nửa cuối năm 2020 và quý I/2021 là những động lực chính thúc đẩy giá cổ phiếu đạt đỉnh trong 6 tháng đầu năm và sau đó điều chỉnh vào nửa cuối năm 2021.

VCSC cho rằng, giá cổ phiếu của các công ty thép sẽ chịu áp lực chốt lời, đặc biệt là đối với các nhà sản xuất tôn mạ (HSG, NKG).

VN-Index có cán mốc 1.450 điểm vào cuối năm 2021

Trong báo cáo chiến lược đầu từ 6 tháng cuối năm 2021 vừa công bố mới đây, CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) duy trì ...

Dòng tiền cá nhân rút khỏi nhóm cổ phiếu thép và thực phẩm đồ uống tuần từ 12 - 16/7

Trong tuần giao dịch từ ngày 12 - 16/7/2021, dòng tiền nhà đầu tư cá nhân tiếp tục bán ròng nhiều cổ phiếu thép và ...

Cổ phiếu thép VCA tăng mạnh sau báo lãi vượt chỉ tiêu cả năm

CTCP Thép VICASA - VNSTEEL (UpCOM: VCA) vừa công bố báo cáo tài kính quý II/2021 và lũy kế 6 tháng đầu năm 2021 với ...