Sáng ngày 23/7 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới được ghi nhận ở mức cao 3.423 USD/ounce, tiệm cận đỉnh thiết lập trong hơn một tháng qua.

Trước đó, giá vàng từng vượt mốc 3.437 USD/ounce nhờ lực đẩy từ hàng loạt yếu tố như diễn biến thị trường tài chính, tâm lý phòng ngừa rủi ro và dòng tiền đổ mạnh vào các kênh đầu tư an toàn.

Giá vàng lên đỉnh 1 tháng: Cơ hội hay cái bẫy?
Giá vàng vọt tăng mạnh

Theo dữ liệu mới nhất từ Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Kỳ hạn Mỹ (CFTC), tính đến ngày 18/7, các quỹ đầu tư đã tăng thêm gần 8.000 hợp đồng mua vàng. Thị trường tiếp tục nghiêng về phe mua.

Tuy nhiên, theo bà Suki Cooper, chuyên gia phân tích kim loại quý tại Ngân hàng Standard Chartered, yếu tố đầu cơ không còn là động lực chính dẫn dắt giá vàng. Dòng vốn đang chảy mạnh vào các quỹ hoán đổi danh mục (ETP) gắn với vàng, với lượng mua ròng cao nhất trong 5 năm qua. Dù quy mô nắm giữ vẫn thấp hơn khoảng 300 tấn so với đỉnh năm 2020, ETP hiện được xem là lực đẩy chính của thị trường.

“Trong bối cảnh tiêu dùng vật chất chững lại do yếu tố mùa vụ, các quỹ ETP sẽ là yếu tố quyết định biên độ biến động giá vàng”, bà Cooper nhận định.

Bên cạnh đó, sự suy yếu của đồng USD cũng góp phần quan trọng đẩy giá vàng lên cao. Chỉ số DXY đã giảm xuống dưới mốc 98 điểm, mức thấp nhất trong nhiều tháng càng củng cố vai trò trú ẩn của kim loại quý trong danh mục đầu tư toàn cầu.

Ông Tim Hayes, Giám đốc chiến lược đầu tư toàn cầu tại Ned Davis Research cho rằng, vàng đã bước vào chu kỳ tăng giá dài hạn kể từ cuối năm 2023 và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong khi đó, đồng USD đang chịu áp lực từ xu hướng phi đô la hóa và lo ngại về chính sách tài khóa tại Mỹ.

“Các ngân hàng trung ương đang giảm tỷ trọng nắm giữ USD và tích cực mua vàng, phản ánh mối lo ngại ngày càng lớn về vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ cũng như sự mất giá của đồng tiền dự trữ số một thế giới”, ông Hayes phân tích.

Chuyên gia này cũng cho biết giới đầu tư đang theo sát diễn biến trên thị trường chứng khoán. Trong trường hợp xuất hiện làn sóng bán tháo, vàng có thể trở thành điểm đến tiếp theo của dòng tiền phòng thủ. Dù vậy, thị trường vẫn tồn tại một số rủi ro có thể cản trở đà tăng của vàng.

Theo ông Hayes, yếu tố lớn nhất là lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ. Nếu lợi suất kỳ hạn 10 năm tiếp tục tăng trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chưa sẵn sàng hạ lãi suất, chênh lệch với trái phiếu toàn cầu sẽ mở rộng và hỗ trợ trở lại cho đồng USD.

“Các xung đột thương mại có thể đẩy kỳ vọng lạm phát tại Mỹ lên cao, khiến lợi suất trái phiếu tăng mạnh và tạo áp lực lớn cho giá vàng”, ông cảnh báo.

Ở thời điểm hiện tại, vàng đang được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố tích cực như: dòng tiền đổ vào ETP tăng mạnh, đồng USD suy yếu, các ngân hàng trung ương tiếp tục mua ròng và tâm lý thận trọng trên thị trường tài chính. Dù vẫn còn những biến số như chính sách lãi suất và rủi ro địa chính trị, vàng vẫn là tâm điểm trong chiến lược đầu tư phòng thủ toàn cầu.

Theo Kitco News