Giá vàng vượt mốc 3.000 USD/ounce không chỉ là dấu mốc lịch sử mà còn mang đến kỳ vọng bùng nổ lợi nhuận cho các doanh nghiệp khai thác.

Theo dự báo từ công ty tài chính Stifel Financial Corp., mùa báo cáo kết quả kinh doanh sắp tới có thể ghi nhận biên lợi nhuận kỷ lục trong ngành khai thác vàng.

Trong báo cáo cập nhật quý II/2025, Stifel ước tính biên lợi nhuận sau chi phí duy trì (AISC margin) trung bình đạt khoảng 1.740 USD/ounce đối với nhóm khai thác vàng quy mô lớn và 1.535 USD/ounce đối với nhóm quy mô trung bình, tăng lần lượt 28% và 20% so với quý trước.

Chi phí tăng nhưng không đuổi kịp đà tăng giá vàng

Stifel cho biết các yếu tố chi phí như tiền công thuê ngoài, thuế và tiền bản quyền tăng do vàng lên giá, trong khi giá nhiên liệu giảm nhờ đà giảm của giá dầu WTI quý vừa qua đã giúp tiết giảm phần nào áp lực chi phí. Nhìn chung, chi phí sản xuất đã ổn định với mức tăng khoảng 5–10% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy vậy, mức tăng giá trung bình hơn 400 USD/ounce của vàng trong quý II đã vượt xa mức tăng chi phí, tạo nền tảng cho khả năng tạo dòng tiền vượt trội.

Stifel dự báo, các nhà khai thác hàng đầu sẽ có tỷ suất dòng tiền tự do (FCF yield) năm 2025 và 2026 lần lượt đạt 6,2% và 6,7%. Với nhóm trung cấp, con số này còn cao hơn, lần lượt là 6,3% và 10%.

“Dòng tiền được cải thiện nhờ giá vàng tăng, kiểm soát chi phí tốt, năng suất cải thiện và nhiều dự án khai thác mới đã hoàn thành”, các chuyên gia Stifel đánh giá.

Giá vàng vượt 3.000 USD/ounce, lợi nhuận ngành khai khoáng có thể bùng nổ chưa từng thấy
Giá vàng vượt 3.000 USD/ounce, lợi nhuận ngành khai khoáng có thể bùng nổ chưa từng thấy. Ảnh minh họa

Với dòng tiền dồi dào, Stifel cho rằng các doanh nghiệp khai thác sẽ ưu tiên tái đầu tư vào các dự án tăng trưởng nội tại và triển khai thêm các chương trình mua lại cổ phiếu để tối ưu hóa giá trị cổ đông.

Bên cạnh đó, dòng vốn đầu tư bắt đầu quay lại cổ phiếu khai khoáng, nhất là sau khi các cổ phiếu ngành này bắt đầu vượt trội hơn so với giá vàng từ tháng 4. Trong bối cảnh này, Stifel đánh giá nhóm cổ phiếu khai thác vàng trung cấp là phân khúc hấp dẫn nhất nhờ mức định giá chiết khấu sâu và tiềm năng tăng trưởng cao.

Hiện tại, cổ phiếu trung cấp đang giao dịch với mức chiết khấu 18% so với nhóm doanh nghiệp lớn, trong khi nhóm quy mô nhỏ hơn còn giao dịch thấp hơn tới 30%.

“Những cổ phiếu vàng có năng lực tài chính mạnh, sản lượng từ 0,1–2 triệu ounce/năm và định hướng tăng trưởng tốt là lựa chọn hấp dẫn nhất hiện nay. Họ có mức đòn bẩy cao với giá vàng, tiềm năng mở rộng trữ lượng, hưởng lợi từ các hoạt động thăm dò và được định giá lại nếu M&A diễn ra”, báo cáo của Stifel nêu rõ.

Dự báo giá vàng trong giai đoạn 2025–2026

Nhìn về tương lai, Stifel nâng dự báo giá vàng trung bình trong giai đoạn 2025–2026 lên 3.200 USD/ounce (tăng từ mức 3.000 và 3.100 USD trước đó), với nhận định biên lợi nhuận ngành khai khoáng sẽ duy trì mức cao đến ít nhất năm 2027.

Ba yếu tố chính thúc đẩy xu hướng này gồm: Lực mua từ các ngân hàng trung ương và dòng vốn từ ETF thể hiện nhu cầu phòng thủ cao; xu hướng đa dạng hóa tài sản, coi vàng như một công cụ chiến lược trong danh mục đầu tư; rủi ro địa chính trị ngày càng gia tăng trong bối cảnh bất ổn kinh tế và phân mảnh tài chính toàn cầu.

Theo Kitco News