Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD-ĐT), có hiệu lực từ ngày 14.2.2025, quy định nhiều nội dung mới liên quan đến hoạt động dạy thêm, học thêm. Văn bản này nhằm siết chặt quản lý, đảm bảo chất lượng giáo dục và tạo môi trường học tập lành mạnh cho học sinh.
Dưới đây là 5 điểm đáng lưu ý đối với giáo viên cần, nhất là trong dịp hè, tránh bị phạt:
1. Giới hạn thời lượng dạy thêm
Mỗi môn học chỉ được tổ chức dạy thêm tối đa 2 tiết/tuần. Thời gian, địa điểm và hình thức tổ chức phải phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi, đảm bảo sức khỏe học sinh và tuân thủ các quy định về an ninh, trật tự, phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường…
2. Dạy thêm ngoài nhà trường phải đăng ký kinh doanh
Tổ chức, cá nhân tổ chức lớp học thêm có thu tiền ngoài nhà trường bắt buộc phải đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật. Đồng thời, cần công khai các thông tin liên quan như: môn học, thời lượng, hình thức, thời gian, địa điểm tổ chức, người giảng dạy và mức thu học phí trước khi tuyển sinh.
![]() |
Như vậy, 5 lưu ý đối với giáo viên khi đi dạy thêm Hè này cần phải "nằm lòng". Ảnh minh hoạ |
3. Không được dạy thêm học sinh đang giảng dạy chính khóa
Giáo viên không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền đối với học sinh mà mình đang giảng dạy chính khóa tại trường theo phân công.
4. Dạy thêm trong trường không được thu tiền
Hoạt động dạy thêm trong nhà trường chỉ được thực hiện với một số nhóm học sinh cụ thể: học sinh chưa đạt yêu cầu học tập, học sinh được bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh lớp cuối cấp ôn thi theo kế hoạch giáo dục. Quan trọng, các lớp này không được thu tiền của học sinh.
5. Phải báo cáo với Hiệu trưởng khi dạy thêm ngoài nhà trường
Giáo viên có tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo với Hiệu trưởng về môn học, địa điểm, hình thức và thời gian dạy thêm.
Thông tư 29/2024 được kỳ vọng sẽ góp phần minh bạch hóa hoạt động dạy thêm, nâng cao chất lượng giáo dục, đồng thời bảo vệ quyền lợi học sinh và giữ gìn đạo đức nghề nghiệp của giáo viên.
Mức phạt và hình thức phạt với trường hợp giáo viên tự ý tổ chức dạy thêm tại nhà
Theo Nghị định 138/2013/NĐ-CP, hành vi vi phạm quy định về dạy thêm sẽ bị xử phạt hành chính theo từng mức độ cụ thể:
- Phạt từ 1 – 2 triệu đồng nếu tổ chức dạy thêm nhưng không đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất theo quy định.
- Phạt từ 2 – 4 triệu đồng nếu dạy thêm sai đối tượng cho phép.
- Phạt từ 4 – 6 triệu đồng nếu nội dung dạy thêm không đúng với nội dung đã được cấp phép.
- Phạt từ 6 – 12 triệu đồng nếu tổ chức hoạt động dạy thêm khi chưa được cấp phép.
![]() |
Giáo viên phải biết, chấp hành nghiêm, tránh để bị phạt tiền và bị xử phạt bổ sung. Ảnh minh hoạ |
Ngoài ra, theo Điều 3 Nghị định 04/2021/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 127/2021/NĐ-CP), các hình thức xử phạt trong lĩnh vực giáo dục gồm:
- Hình thức xử phạt chính: Cảnh cáo hoặc phạt tiền.
- Hình thức xử phạt bổ sung: Có thể bị trục xuất (với tổ chức, cá nhân nước ngoài), tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn.
Giáo viên và các cơ sở dạy thêm cần tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật để tránh bị xử phạt, đồng thời bảo đảm môi trường giáo dục minh bạch, lành mạnh.