Nhằm tập trung và tối đa hóa nguồn lực, GTNfoods tiến hành sáp nhập vào Vilico theo tỷ lệ 1,6:1, 1 cổ đông sở hữu 1,6 cổ phiếu GTN vào ngày chốt quyền sẽ hoán đổi lấy 1 cổ phiếu VLC.

Theo phương án sáp nhập, Vilico sẽ phát hành tối đa 156,2 triệu cổ phiếu để hoán đổi 250 triệu cổ phiếu GTN, sau khi hoàn tất các cổ đông của GTNfoods sẽ trở thành cổ đông Vilico. Sau sát nhập, GTNfoods sẽ chấm dứt sự tồn tại, toàn bộ tài sản, quyền và nghĩa vụ được chuyển giao cho Vilico, cổ phiếu hủy niêm yết tại HoSE.

Tuy nhiên, GTNfoods đang là công ty mẹ nắm 47 triệu cổ phiếu, tương đương 74,5% vốn Vilico. Do thực hiện sáp nhập, toàn bộ 47 triệu cổ phiếu sẽ bị hủy và giảm vốn điều lệ Vilico. Như vậy, vốn điều lệ Vilico sau sáp nhập dự kiến là 1.723 tỷ đồng, trong đó Vinamilk sở hữu 68% và các cổ đông khác nắm 32%.

Theo lộ trình, việc phát hành, hoán đổi cổ phiếu và hủy niêm yết GTN sẽ được thực hiện từ tháng 5 đến 7.

4245-gtnfoods-1
Nguồn: GTNfoods

Bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch HĐQT lý giải ngoài hoạt động đóng góp chính từ Vilico thì GTNfoods không có hoạt động riêng hiệu quả, do đó cần đơn giản cấu trúc, tiết kiệm chi phí và khai thác nguồn nhân lực hiệu quả hơn. Một số thế mạnh của GTNfoods và Vilico trước đây chưa được phát huy hiệu quả nên cần sáp nhập để phát huy tốt hơn, tập trung mảng sữa và bò thịt.

Đồng thời, quan điểm của ban lãnh đạo không quan trọng mẹ sáp nhập con hay ngược lại mà làm thế nào thuận lợi hơn. Vilico là doanh nghiệp lớn, có thương hiệu lâu đời trong ngành chăn nuôi, cùng nhiều quyền sử dụng bất động sản nông, lâm nghiệp. Trong khi GTNfoods là đơn vị holdings, thương hiệu mới được xây dựng vài năm gần đây.

Liên quan đến tỷ lệ sáp nhập, Chủ tịch GTN khẳng định có căn cứ hài hòa và đảm bảo lợi ích cho cổ đông của cả 2 bên. Mặt khác, theo quy định luật doanh nghiệp, nếu cổ đông nào không đồng ý phương án sáp nhập thì có quyền yêu cầu doanh nghiệp mua lại.

Sau sáp nhập GTNfoods vào Vilico, CEO Vinamilk cho biết trong vòng 5 hay 10 năm tới Vinamilk không có thương vụ sáp nhập nữa. Đồng thời, chủ trương của ban lãnh đạo là cổ phiếu của doanh nghiệp nào đang giao dịch ở UPCoM sẽ lên HoSE để minh bạch thông tin hơn. Do đó, cổ phiếu cả Villico và Mộc Châu Milk sẽ được đưa lên HoSE khi đủ điều kiện.

Kế hoạch lãi 2021 giảm 1%, không chia cổ tức 2020

Vilico sau sáp nhập được định hướng trở thành đơn vị lớn trong lĩnh vực chăn nuôi và chế biến sản phẩm thịt tại Việt Nam. Vilico có kế hoạch đầu tư trang trại bò thịt quy mô khai thác 20.000 con/năm với tổng vốn đầu tư không quá 1.700 tỷ đồng.

Doanh nghiệp đánh giá đây là thị trường tiềm năng với quy mô hơn 10 tỷ USD trên thế giới, riêng thịt trâu, bò hơn 2 tỷ USD. Xu hướng tăng trưởng thịt trâu, bò khoảng 6-7%, gấp đôi thịt heo, gà. Tại Việt Nam, tổng đàn trâu, bò gần như không tăng qua các năm, quy mô khoảng 500.000 tấn/năm, riêng nhập khẩu là 300.000 tấn/năm.

Bà Liên cũng nhận định lĩnh vực bò thịt có tiềm năng lớn, các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đang nhập khẩu về vỗ béo để bán trong khi Vinamilk có sẵn nguồn bê để nuôi thành bò thịt.

Kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp sau hợp nhất là doanh thu 3.073 tỷ đồng, tăng 9% và lợi nhuận sau thuế 244 tỷ đồng, giảm 1% so với năm trước.

4312-gtnfoods-3
Nguồn: GTNfoods

Năm 2020, GTNfoods báo cáo doanh thu giảm 5% về 2.826 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế đột biến hơn 251 tỷ đồng, gấp 6 lần kết quả năm 2019. Lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 109 tỷ đồng, cải thiện so với khoản lỗ 66 tỷ năm 2019.

Theo bà Liên, kết quả kinh doanh GTNfoods năm 2020 cải thiện nhờ hoạt động của công ty con Vilico khả quan, không còn ghi nhận khoản lỗ từ thoái vốn như năm 2019.

Dù vậy, công ty vẫn còn lỗ lũy kế hơn 133 tỷ đồng, do đó công ty có phương án không phân phối lợi nhuận cho năm 2020.