Hàng loạt chính sách hỗ trợ được đề xuất

Mới đây, Bộ Tài chính đã có công văn số 5949/BTC-CST gửi các Bộ, cơ quan trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố về việc lấy ý kiến hồ sơ dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.

Đáng chú ý, trong lần sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp lần này có quy định áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp phù hợp đối với doanh nghiệp thuộc nhóm có quy mô nhỏ và siêu nhỏ.

Thủy sản và Thương mại Thuận Phước là doanh nghiệp hàng đầu cả nước về chế biến, xuất khẩu thủy sản đông lạnh

Hàng loạt chính sách hỗ trợ được đề xuất.

Cụ thể, Bộ đề xuất mức thuế suất 15% áp dụng đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm không quá 3 tỷ đồng; mức thuế suất 17% áp dụng đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm từ trên 3 tỷ đồng đến không quá 50 tỷ đồng. Doanh thu làm căn cứ xác định doanh nghiệp thuộc đối tượng được áp dụng thuế suất 17% và 15% tại khoản này là tổng doanh thu của năm trước liền kề. Trường hợp doanh nghiệp mới thành lập, giao Chính phủ quy định cụ thể tổng doanh thu làm căn cứ áp dụng.

Bên cạnh đó, thuế suất 15% và 17% được quy định sẽ không áp dụng đối với doanh nghiệp là công ty con hoặc công ty có quan hệ liên kết mà doanh nghiệp trong quan hệ liên kết không phải là doanh nghiệp đáp ứng điều kiện áp dụng thuế suất quy định.

Tại Việt Nam hiện nay, theo thống kê, trong tổng số khoảng 900 nghìn doanh nghiệp hoạt động, số doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm gần 94%. Đây là đối tượng cần phải có các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển và nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài cho ngân sách nhà nước.

Do đó, Bộ Tài chính cho rằng, việc bổ sung quy định này góp phần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ tích tụ vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Đây cũng là tiền đề giúp các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ phát triển thành doanh nghiệp có quy mô lớn hơn.

Cùng với đó, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 64/2024 quy định về gia hạn thời hạn nộp các loại thuế giá trị gia tăng (GTGT), thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thu nhập cá nhân (TNCN) , tiền thuê đất trong năm 2024, ước tính gần 84.000 tỷ đồng.

Cụ thể, đối với thuế GTGT, Nghị định nêu rõ, gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế GTGT phát sinh phải nộp của kỳ tính thuế từ tháng 5 đến tháng 9-2024 (đối với trường hợp kê khai thuế GTGT theo tháng) và kỳ tính thuế quý II/2024, quý III/2024 (đối với trường hợp kê khai thuế giá trị gia tăng theo quý) của các doanh nghiệp, tổ chức thuộc diện được gia hạn.

Ngoài ra, chính sách giảm thuế VAT 2% trong 6 tháng cuối năm 2024 cũng đã tiếp tục được đưa ra lấy ý kiến để Quốc hội thông qua vào cuối Kỳ họp thứ 7 này cũng sẽ được coi là thêm một trợ lực cho doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay.

“Đòn bẩy” quan trọng để duy trì và phát triển

Đánh giá về những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của các cơ quan quản lý nhà nước trong thời gian qua, TS. Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội (HANOISME) cho rằng, đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chính sách giảm thuế, gia hạn thuế là một "đòn bẩy" quan trọng không chỉ giúp giảm gánh nặng tài chính mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn thường gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn và nguồn lực.

Giảm thuế VAT sẽ tạo điều kiện rất lớn giúp doanh nghiệp giảm được chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, tăng khả năng kích cầu. Ảnh: Minh Phương/Báo Tin tức

Cải cách thuế là “đòn bẩy” quan trọng để duy trì và phát triển

Bên cạnh đó, các biện pháp cải cách thuế ngoài việc giúp giảm thuế suất còn cải thiện quy trình thuế, tăng cường sự minh bạch và hiệu quả trong quản lý thuế. Điều này giúp giảm thiểu thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong việc tuân thủ các quy định về thuế.

TS. Mạc Quốc Anh bày tỏ, việc thực thi chính sách thời gian qua cũng cho thấy, Bộ Tài chính đã tích cực lắng nghe và đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề và các chuyên gia kinh tế để xây dựng chính sách phù hợp và hiệu quả nhất.

Với đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ xuống mức 15 - 17%, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính nhận định, đề xuất này của Bộ Tài chính có rất nhiều tác động tích cực như giúp doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và vừa tăng thêm thu nhập, tăng tích luỹ, giúp các nhà đầu tư tích cực đầu tư thành lập doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

Đồng thời, đề xuất này còn giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong các quyết định sản xuất, kinh doanh giúp doanh nghiệp nâng cao trình độ, tăng năng suất lao động, cải tiến quản lý… Ngoài ra, đề xuất sẽ giúp các doanh nghiệp có thêm điều kiện để đổi mới dây chuyền công nghệ, máy móc, thiết bị, nâng cao trình độ công nghệ.

Đồng quan điểm, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng, đây là chính sách có thể đến ngay được doanh nghiệp, không phải qua bộ máy tổ chức thực thi, cũng không cần độ trễ về thời gian nên hiệu ứng của chính sách này rất lớn và điều này sẽ giúp doanh nghiệp có thêm động lực để sản xuất kinh doanh trong các tháng cuối năm, tạo tiền đề cho hoạt động của năm 2025.