Cách đây 5 năm, Koh Jie Ming, một tài xế xe công nghệ 33 tuổi đã quyết định chuyển sang dùng xe điện để tiết kiệm chi phí vận hành. Thế nhưng, anh nhanh chóng gặp khó khi bãi đỗ xe chung trong khu nhà ở xã hội nơi anh sống không hề có trạm sạc. Koh phải tranh thủ sạc xe tại các điểm công cộng gần nhà mỗi khi đi ăn hoặc mua sắm.

Đây là thực trạng phổ biến ở Singapore, nơi 80% dân số sống trong các khu nhà cao tầng do nhà nước quản lý. Không như các quốc gia mà người dân có gara riêng, người dùng xe điện ở Singapore phải phụ thuộc vào hạ tầng sạc công cộng.

Hàng xóm của Việt Nam: Giàu bậc nhất Đông Nam Á nhưng người dân chưa mấy 'mặn mà' với xe điện
Hạ tầng ở nước này vẫn chưa theo kịp. (Ảnh minh hoạ)

Để giải quyết vấn đề này, Singapore đặt mục tiêu lắp đặt 60.000 điểm sạc xe điện trước năm 2030, trong đó 40.000 điểm tại các bãi đỗ xe công cộng. Điều này sẽ giúp quốc đảo đạt tỷ lệ trung bình 5 xe điện cho mỗi điểm sạc, cao hơn mức trung bình toàn cầu (10:1) và cả Trung Quốc (7:1).

Tính đến nay, khoảng 6.200 trạm sạc đã được lắp đặt, phần lớn trong số đó nằm ở bãi đỗ xe dân cư, trạm xăng hoặc trung tâm thương mại. Chính phủ cũng đặt mục tiêu đến năm 2025, toàn bộ hơn 2.000 bãi đỗ thuộc quản lý của Cơ quan Phát triển Nhà ở (HDB) sẽ được trang bị sẵn sàng cho xe điện. Hiện tại, khoảng 1/3 số bãi đỗ này đã có trạm sạc.

Tham vọng và những thực tế

Singapore đặt mục tiêu ngừng bán xe sử dụng động cơ đốt trong từ năm 2030 và loại bỏ hoàn toàn xe xăng vào năm 2040, hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Gần đây, Singapore ký thỏa thuận với tập đoàn Huawei để triển khai các trạm sạc siêu nhanh 480kW có thể sạc đầy xe trong 30 phút, nhanh gấp 10 lần các trạm sạc nhanh thông thường. Tuy nhiên, tốc độ sạc không phải là rào cản duy nhất.

Theo nhà phân tích Muhammad Rafey Khan (Power Technology Research), việc lắp đặt trạm sạc trong khu nhà cao tầng phức tạp và tốn kém hơn nhiều so với ở các nước có hạ tầng nhà ở biệt lập.

Bên cạnh bài toán hạ tầng, Singapore còn đối mặt với một nghịch lý lớn: chính sách thúc đẩy xe điện lại va chạm với hệ thống hạn ngạch lâu đời nhằm hạn chế sở hữu ô tô cá nhân.

Hàng xóm của Việt Nam: Giàu bậc nhất Đông Nam Á nhưng người dân chưa mấy 'mặn mà' với xe điện
80% dân số sống trong các khu nhà ở xã hội cao tầng, việc triển khai trạm sạc ở Singapore rất khó khăn. (Ảnh minh hoạ)

Chỉ riêng chi phí để sở hữu Giấy chứng nhận quyền sở hữu xe (COE) đã lên tới 100.000 đô la Singapore (~75.000 USD) cho một chiếc sedan, chưa kể giá xe, thuế nhập khẩu và các loại phí. Điều này biến Singapore trở thành quốc gia đắt đỏ nhất thế giới để sở hữu một chiếc ô tô.

Dù tiết kiệm được chi phí xăng dầu, nhiều tài xế vẫn chưa mặn mà với xe điện vì chi phí bảo dưỡng cao, thuế đường bộ và phí bảo hiểm cao, cùng với giá trị bán lại thấp do tuổi thọ pin.

Anh Wong Jun Heng (45 tuổi), đang sử dụng xe hybrid, cho biết xe điện vẫn là lựa chọn “quá tốn kém” và chưa thực sự hợp lý về mặt tài chính. “Họ nói nhiều về tính bền vững, nhưng để đạt được điều đó lại quá đắt đỏ với người dân thường,” anh chia sẻ.

Năm 2023, xe điện và xe hybrid chiếm gần hai phần ba lượng xe đăng ký mới tại Singapore, nhưng xe điện thuần túy chỉ chiếm chưa đến 20%. Dù chính phủ có chính sách ưu đãi và đầu tư mạnh cho hạ tầng, việc chuyển đổi vẫn diễn ra chậm.

Nhiều người, như Wong đang cần xe để đưa đón cha mẹ già vẫn chưa sẵn sàng bước sang xe điện. “Ở thời điểm này, lựa chọn đó chưa phù hợp với khả năng tài chính,” anh kết luận.