Năm 2022, cô gái họ Lý tốt nghiệp Cử nhân ngành Chẩn đoán hình ảnh y học tại Đại học Trung Sơn, trực thuộc Đại học Y Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. Sau khi ra trường, cô từng làm việc tại một bệnh viện lớn ở Quảng Tây nhưng sau đó nghỉ việc vì lý do cá nhân.

Từ tháng 4/2025, Lý bắt đầu bán kem xoài tại một xe hàng rong ở thành phố Hà Trì, Quảng Tây để kiếm thêm thu nhập trong thời gian ôn thi công chức.

Bên cạnh công việc bán hàng, cô quay video chia sẻ về kinh nghiệm học ngành Y và đăng tải lên nền tảng mạng xã hội Douyin. Một video trong đó Lý nhắc đến tên Đại học Trung Sơn bất ngờ thu hút hơn 5 triệu lượt xem và 100.000 lượt thích.

Cuối tháng 6/2025, Lý nhận được cuộc gọi từ giảng viên chủ nhiệm cũ, họ Trần, đề nghị cô gỡ video vì lo ngại ảnh hưởng đến uy tín của trường và tâm lý sinh viên đang theo học.

Tốt nghiệp ngành Y, từng làm ở bệnh viện lớn, cô gái bất ngờ ra vỉa hè bán kem: Nhà trường nói thẳng một câu
Lý cho biết, bản thân bị phía nhà trường yêu cầu gỡ các clip bán kem vì sợ các tân sinh viên hiểu lầm. Ảnh: Tổng hợp

Ngay sau đó, Lý xóa video và cam kết không nhắc lại tên trường trong các nội dung sau. Tuy nhiên, cô cho biết vẫn bị một số người được cho là từ trường cũ vào trang cá nhân để chỉ trích và công kích, khiến cuộc sống và công việc bán hàng bị xáo trộn.

Trước phản ứng từ dư luận, Đại học Trung Sơn lên tiếng phủ nhận việc yêu cầu cựu sinh viên xóa video. Nhà trường khẳng định ủng hộ sự đa dạng nghề nghiệp và không có định kiến với bất kỳ công việc chân chính nào. “Chúng tôi không cảm thấy xấu hổ khi sinh viên tốt nghiệp tự khởi nghiệp”, đại diện trường viết trên mạng xã hội.

Lý cho biết việc nhắc tên trường chỉ nhằm chứng minh bằng cấp, sau khi có người nghi ngờ cô là "cử nhân giả". “Tôi học ở đó 4 năm, đóng học phí đầy đủ, tại sao lại không được nhắc tên trường mình từng học?”, cô bày tỏ.

Trước tuyên bố phủ nhận của nhà trường, Lý đăng video phản hồi và cho biết sẵn sàng đối mặt nếu bị kiện: “Nếu cho rằng tôi bôi nhọ danh tiếng trường, thì cứ đưa tôi ra tòa”.

Câu chuyện của Lý đã gây nhiều tranh luận trên mạng xã hội Trung Quốc. Nhiều người bày tỏ sự ủng hộ với cô: “Cô ấy lao động chân chính, đâu có gì sai?”, trong khi số khác cho rằng việc nhắc tên trường trong video là cách “câu view” để tăng lượt tương tác.