Từng là sinh viên xuất sắc tại Đại học Bắc Kinh - một trong những ngôi trường danh giá bậc nhất Trung Quốc, Crystal nuôi khát vọng làm việc tại các tập đoàn công nghệ hoặc tài chính hàng đầu.
Với bảng thành tích ấn tượng, gồm bốn kỳ thực tập tại những công ty lớn như ByteDance, tham gia nhiều cuộc thi phân tích tình huống quốc tế, và tốt nghiệp trong top 10% năm 2023, cô từng tin rằng mình sẽ dễ dàng tìm được việc làm. Nhưng thực tế lại khác xa kỳ vọng.
Ngay sau tốt nghiệp, lựa chọn duy nhất dành cho Crystal là tiếp tục học lên thạc sĩ kinh tế và quản lý, không phải để nâng cao thu nhập, mà chỉ để tăng cơ hội... có việc làm.
“Tốt nghiệp đại học bây giờ chẳng đảm bảo được gì cả”, Crystal nói. “Khi chúng tôi ra trường, thị trường lao động cực kỳ ảm đạm. Khóa trước còn dễ thở hơn nhiều”.
Tình trạng của Crystal không phải là cá biệt. Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc chững lại sau đại dịch, ngay cả sinh viên tốt nghiệp từ những trường đại học hàng đầu như Bắc Kinh hay Thanh Hoa cũng đang vật lộn để chen chân vào thị trường việc làm ngày một khắc nghiệt.
Theo giáo sư Nancy Qian từ Đại học Northwestern (Mỹ), ngay cả những cử nhân từ các trường ưu tú cũng phải “tranh đấu quyết liệt để giành lấy công việc với mức lương trung bình, chưa đủ để sống độc lập”.
Sự suy yếu kéo dài của nền kinh tế Trung Quốc khiến các công ty hạn chế tuyển dụng, đặc biệt là các vị trí lương cao. Trong khi đó, số lượng sinh viên tốt nghiệp ngày càng tăng. Để vượt qua “vòng loại khắc nghiệt”, tấm bằng thạc sĩ đang dần trở thành điều kiện tối thiểu chứ không còn là lợi thế.
![]() |
Sinh viên Trung Quốc tham gia hội chợ việc làm tại Bắc Kinh – nơi hàng nghìn cử nhân cạnh tranh gay gắt để tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp trong bối cảnh thị trường lao động ảm đạm. Ảnh minh hoạ |
Một báo cáo năm 2023 của nền tảng tuyển dụng Zhaopin chỉ ra rằng, ngày càng nhiều sinh viên nhầm tưởng bằng cấp cao sẽ là “chìa khóa vàng” mở cửa nghề nghiệp. Nhưng thực tế, tấm bằng chỉ là vé vào vòng xét tuyển, còn cơ hội có việc làm tốt phụ thuộc vào kinh nghiệm thực tế, kỹ năng và khả năng thích ứng.
Áp lực học lên không ngừng gia tăng. Tại Đại học Bắc Kinh, tỷ lệ sinh viên tiếp tục học sau đại học đã tăng từ 48% năm 2019 lên 66% vào năm 2024. Tại Đại học Thanh Hoa, con số này còn cao hơn - 66% sinh viên tốt nghiệp năm 2022 chọn ở lại học thạc sĩ hoặc tiến sĩ trong nước.
Dong Jiachen, một tân thạc sĩ xã hội học tại Đại học Bắc Kinh, cho biết: “Nếu nhà tuyển dụng liên tục nâng yêu cầu, thì bạn buộc phải đáp ứng. Học lên cao không còn là lựa chọn, mà là điều bắt buộc nếu muốn tồn tại trên thị trường”.
Tuy nhiên, ngay cả bằng thạc sĩ cũng chưa đủ. Dong phải trải qua sáu kỳ thực tập mới giành được vị trí toàn thời gian tại Meituan - một trong những nền tảng giao hàng lớn nhất Trung Quốc. “Bạn phải làm nhiều hơn rất nhiều, từ thực tập đến lấy chứng chỉ, luyện phỏng vấn và cả kiểm tra viết do công ty yêu cầu”, cô chia sẻ.
Giới chuyên gia cảnh báo về một hệ quả đáng lo: “lạm phát bằng cấp”. CEO Qi Mingyao của công ty viễn thông Ruihua ví von: “Ngày xưa, cử nhân là ‘hàng hiếm’. Giờ thì bằng thạc sĩ cũng chỉ tương đương cử nhân ngày trước”.
Công ty của ông đã cắt giảm nhân sự từ 60 xuống 20 người kể từ đại dịch và hiện không còn tuyển dụng. Nếu mở lại tuyển dụng, họ sẽ chỉ tìm người có bằng thạc sĩ.
Ngoài vấn đề cạnh tranh khốc liệt, giới trẻ Trung Quốc còn phải đối mặt với sự thay đổi trong chính kỳ vọng của bản thân. Lily Liu, cựu CEO một nền tảng tuyển dụng, cho rằng sinh viên ngày nay đòi hỏi nhiều hơn: không chỉ là lương, mà còn là môi trường làm việc, văn hóa công ty, giá trị nghề nghiệp và cả khoảng cách từ nhà đến văn phòng. Nếu không thấy phù hợp, họ sẵn sàng… quay lại học tiếp.
Theo giáo sư Qian, điều đáng ngạc nhiên nhất là cuộc khủng hoảng này ảnh hưởng đến chính những người từng được cho là “an toàn nhất”: tầng lớp tinh hoa học vấn. “Nhiều người đã đầu tư hết tuổi trẻ để vào được trường top, giờ lại tự hỏi: Tất cả những cố gắng đó là để làm gì? Có đáng không?” .
Hệ lụy kéo theo không chỉ là kinh tế, mà còn là xã hội và dân số. Với tình trạng thất nghiệp lan rộng, nhiều bạn trẻ không còn nghĩ đến chuyện kết hôn hay sinh con. “Mọi chuỗi kết nối xã hội như hẹn hò, kết hôn, sinh con đang bị phá vỡ”, Qian cảnh báo.
Tình trạng chưa có dấu hiệu cải thiện, đặc biệt khi căng thẳng thương mại với Mỹ khiến các công ty nước ngoài thu hẹp quy mô tuyển dụng tại Trung Quốc. Dù vậy, Crystal – sau khi hoàn thành thạc sĩ vào mùa xuân này – cuối cùng cũng tìm được việc tại một công ty công nghệ hàng đầu ở Bắc Kinh.
“Nếu so với phương Tây, tôi có thể không vui. Nhưng so với bố mẹ mình, tôi thấy chúng tôi vẫn còn may mắn. Có lẽ, đây là lúc thế hệ chúng tôi phải học cách gánh vác khó khăn của thời đại mới”, cô nói.