Từ một người buôn mãng cầu tại chợ đầu mối Thủ Đức, anh Lê Minh Trung đã trở thành “nông dân thế hệ mới” với khát vọng thay đổi cách trồng trọt truyền thống, nâng tầm trái mãng cầu Tây Ninh – đặc sản địa phương – bằng hướng sản xuất sạch và bền vững.
Từ thương lái đến người khởi xướng mô hình liên kết
Xã Tân Hưng (huyện Tân Châu, Tây Ninh) - vùng chuyên canh mãng cầu nổi tiếng.
Từ năm 2008, khi mới 18 tuổi, anh Lê Minh Trung đã bắt đầu buôn bán mãng cầu, vận chuyển từ vườn đến các chợ đầu mối tại TP.HCM. Nhờ uy tín và tinh thần sẵn sàng đồng hành cùng nông dân, anh dần tạo được mạng lưới phân phối ổn định.
![]() |
Du khách đến thăm HTX của nông dân Tây Ninh - anh Lê Minh Trung. Ảnh: Tổng hợp |
Tuy nhiên, dịch COVID-19 giai đoạn 2020–2021 đã khiến chuỗi cung ứng mãng cầu gián đoạn, giá nông sản giảm sâu, nhiều hộ nông dân thua lỗ. Theo anh Trung, nguyên nhân một phần do sản xuất manh mún, thiếu liên kết nên không tiếp cận được các thị trường cao cấp.
Trăn trở với bài toán tiêu thụ nông sản, năm 2022, anh Trung thành lập Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Minh Trung (HTX Minh Trung), bắt đầu hành trình kết nối người trồng mãng cầu với mục tiêu sản xuất sạch và bền vững.
“Làm nông từ con số 0”
Chưa từng làm nông, anh Trung bắt đầu bằng việc học hỏi kỹ thuật từ nông dân, sách vở và thực tiễn quốc tế. Anh đứng ra hướng dẫn lại cho các hộ tham gia HTX, nâng cao chất lượng sản phẩm ngay từ khâu canh tác.
Đến năm 2024, anh Trung thành lập thêm Hội quán Mãng cầu – nơi nông dân chia sẻ kinh nghiệm, cập nhật kỹ thuật mới và tiếp cận chính sách hỗ trợ.
Hiện HTX Minh Trung có 7 thành viên chính thức và liên kết hơn 100 hộ nông dân. Trái mãng cầu tại đây đã đạt chứng nhận VietGAP cho 100 ha canh tác, được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao, và gắn Chỉ dẫn địa lý “Mãng Cầu Bà Đen”. Ngoài ra, HTX còn liên kết hơn 500 ha sản xuất mãng cầu theo hướng an toàn.
Anh Trung chia sẻ trên Báo Tây Ninh rằng, OCOP không phải là đích đến mà chỉ là điểm khởi đầu. Hành trình phía trước là sản xuất nông sản sạch đúng nghĩa.
Thí điểm vườn mãng cầu hữu cơ
Để thay đổi thói quen canh tác truyền thống, anh Trung tiên phong thực hiện mô hình vườn mãng cầu hữu cơ trên diện tích 2 ha. Vườn được chia thành 8 lô nhỏ, mỗi lô có khoảng 230 gốc để theo dõi và điều chỉnh kỹ thuật.
Không có công thức sẵn, anh Trung tự học cách ủ phân vi sinh, nhận diện vi sinh vật có lợi trong đất, điều chỉnh phân bón theo từng giai đoạn sinh trưởng. Mọi quy trình đều được ghi chép tỉ mỉ nhằm làm tài liệu chuyển giao cho bà con.
![]() |
Anh Trung bên vườn mãng cầu. Ảnh: Tổng hợp |
Để giảm thiểu hóa chất, anh hợp tác với Viện Cây ăn quả miền Nam và doanh nghiệp đối tác nhằm đưa giải pháp sinh học vào kiểm soát sâu bệnh. Hiện khoảng 90% quy trình trong vườn đã đạt tiêu chí sản xuất hữu cơ.
Anh Trung chia sẻ rằng, bản thân đã thất bại nhiều lần, có lúc trái bị nứt, hư hỏng vì ảnh hưởng thời tiết. Nhưng sau một năm, hiệu quả đạt được khoảng 90% kỳ vọng. Cây khoẻ hơn, trái đồng đều và năng suất ổn định – mỗi lô có thể cho thu hoạch 2,5 tấn trong vòng 15 ngày.
Hướng đến nông nghiệp sinh thái – du lịch trải nghiệm
Mô hình hữu cơ không chỉ giúp giảm chi phí đầu vào mà còn phục hồi hệ sinh thái đất. Dù tốn nhiều công chăm sóc hơn, anh Trung tin đây là hướng đi bền vững, có trách nhiệm với môi trường và sức khỏe người tiêu dùng.
Một điểm khác biệt là anh không dùng thuốc diệt cỏ, giữ nguyên thảm cỏ tự nhiên để bảo vệ độ ẩm và vi sinh vật có lợi trong đất. Anh nói, khi đất khỏe, cây khoẻ thì trái cũng ngon hơn.
![]() |
Du khách hào hứng chụp ảnh trong vườn mãng cầu. Ảnh: Tổng hợp |
HTX Minh Trung hiện đang phát triển vườn mẫu để kết hợp với du lịch nông nghiệp. Du khách có thể trải nghiệm thu hoạch mãng cầu, tìm hiểu kỹ thuật trồng hữu cơ và tham gia hoạt động giáo dục nông nghiệp.
Không dừng lại ở đó, anh Lê Minh Trung cùng Viện Cây ăn quả miền Nam đã ký kết biên bản ghi nhớ phát triển dự án trang trại mãng cầu ứng dụng công nghệ cao.
Trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến thực phẩm sạch, truy xuất nguồn gốc và sản xuất bền vững, mô hình của HTX Minh Trung cho thấy sự chuyển mình tích cực của nông nghiệp Tây Ninh.
Với tâm huyết và định hướng rõ ràng, anh Trung không chỉ khôi phục giá trị trái mãng cầu – đặc sản địa phương – mà còn mở ra một hướng phát triển mới: từ cây trái truyền thống đến nông nghiệp hiện đại, xanh và có trách nhiệm.