Cá cơm – loài cá nhỏ bé nhưng giàu giá trị dinh dưỡng – không chỉ quen thuộc trong bữa ăn gia đình Việt mà còn là nguyên liệu không thể thiếu trong sản xuất nước mắm truyền thống.
Tại Việt Nam, cá cơm xuất hiện dọc theo các vùng biển từ Bắc vào Nam, trong đó sản lượng lớn tập trung ở miền Trung và Nam Bộ. Mỗi năm, nước ta khai thác khoảng 20.000–22.000 tấn cá cơm, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
![]() |
Thành phần quen thuộc trong ẩm thực Việt
Không chỉ góp phần tạo nên hương vị đặc trưng cho nước mắm, cá cơm còn là nguyên liệu chế biến hàng loạt món ăn dân dã nhưng hấp dẫn như: cá cơm kho tiêu, cá cơm rim lạc, chiên giòn, xào dưa... Với kích thước nhỏ, thịt mềm và vị đậm đà, cá cơm rất dễ chế biến và phù hợp với khẩu vị nhiều lứa tuổi.
Hiện cá cơm tươi tại các chợ và siêu thị được bán với giá khoảng 30.000–55.000 đồng/kg, trong khi cá cơm khô dao động từ 80.000–150.000 đồng/kg, tùy loại và chất lượng.
![]() |
Nguồn dinh dưỡng dồi dào trong một “thân hình bé nhỏ”
Theo phân tích dinh dưỡng, mỗi khẩu phần cá cơm đóng hộp trong dầu (45g) có thể cung cấp: 95 kcal; 13g protein; 4g chất béo; 56% nhu cầu vitamin B3 hàng ngày (niacin); 55% selenium; 16% vitamin B12; 12% sắt; 8% canxi.
Đặc biệt, cá cơm giàu axit béo omega-3, thuộc nhóm cá có dầu như cá hồi, cá mòi, cá thu. Omega-3 có vai trò quan trọng trong bảo vệ tim mạch, não bộ và kháng viêm.
Ngoài ra, niacin (vitamin B3) trong cá cơm giúp chuyển hóa thực phẩm thành năng lượng, còn selenium hỗ trợ chức năng tuyến giáp, hệ miễn dịch và sức khỏe xương khớp.
Sắt và canxi cũng góp phần quan trọng vào việc vận chuyển oxy trong máu và duy trì hệ xương răng chắc khỏe, đặc biệt cần thiết cho phụ nữ và trẻ nhỏ.