Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Tài chính) vừa công bố Báo cáo nhanh tình hình thu hút Đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam. Đáng chú ý, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất định, dòng vốn FDI vào bất động sản Việt Nam lại ghi nhận bước tăng trưởng vượt bậc.

Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2025, lĩnh vực kinh doanh bất động sản đã thu hút gần 5,17 tỷ USD, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 24% tổng vốn FDI đăng ký, chỉ đứng sau công nghiệp chế biến, chế tạo.

Sự trỗi dậy mạnh mẽ của dòng vốn ngoại vào địa ốc không chỉ là phản ứng tích cực của nhà đầu tư với môi trường đầu tư cải thiện, mà còn báo hiệu bước chuyển mình đáng chú ý của thị trường bất động sản Việt Nam trong chu kỳ mới.

Theo các chuyên gia, một phần quan trọng của sự phục hồi này đến từ niềm tin đang được củng cố nhờ các chính sách pháp lý và điều hành vĩ mô.

Theo ông Neil MacGregor – Tổng Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào bất động sản có nền tảng quan trọng từ những cải cách pháp lý mang tính bước ngoặt, đặc biệt là Luật Đất đai 2024 và Luật Kinh doanh Bất động sản 2023, cùng các nghị định hướng dẫn vừa được ban hành.

"Khung pháp lý minh bạch và nhất quán đang dần được thiết lập, tạo ra hành lang an toàn cho nhà đầu tư. Việc tiếp cận đất đai, giải phóng mặt bằng thuận lợi hơn là yếu tố quan trọng khiến nhiều quỹ ngoại quay trở lại hoặc mở rộng đầu tư", ông Neil nhận định.

Hơn 5 tỷ USD vốn ngoại chảy vào bất động sản, gấp đôi cùng kỳ năm ngoái

Sự trỗi dậy mạnh mẽ của dòng vốn ngoại vào địa ốc báo hiệu bước chuyển mình đáng chú ý của thị trường bất động sản Việt Nam trong chu kỳ mới.

Bên cạnh đó, một số dự án lớn gỡ được nút thắt pháp lý cũng tạo ra hiệu ứng tích cực lan tỏa. Điển hình là Aqua City của Tập đoàn Novaland, sau 3 năm chờ đợi, đã chính thức được UBND TP. Biên Hòa phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 vào ngày 16/6/2025. Ngay sau đó, các tổ chức tín dụng đã giải ngân tới 3.250 tỷ đồng và cam kết bổ sung trên 10.000 tỷ đồng để chủ đầu tư tiếp tục triển khai hạ tầng và bàn giao nhà.

Đây không chỉ là tín hiệu cho riêng một dự án, mà là thước đo niềm tin của các định chế tài chính vào thị trường bất động sản nếu khung pháp lý và quy hoạch được tháo gỡ đồng bộ.

Không chỉ pháp lý, yếu tố hạ tầng cũng đóng vai trò không nhỏ trong làn sóng vốn ngoại đổ vào bất động sản. Các dự án hạ tầng trọng điểm như cao tốc Bắc – Nam, sân bay Long Thành, và các tuyến vành đai tại TP.HCM, Hà Nội đang tạo ra sức bật lớn cho thị trường vùng ven – nơi quỹ đất còn dồi dào và giá cả hợp lý.

Những khu vực như Hưng Yên, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai... sẽ là điểm đến mới của dòng vốn, không chỉ vì hạ tầng kết nối mà còn do nhu cầu nhà ở công nhân, chuyên gia, và phát triển khu công nghiệp.

Một điểm đáng chú ý nữa là sự dịch chuyển trong khẩu vị đầu tư: Vốn ngoại đang ưu tiên các dự án minh bạch pháp lý, có tốc độ triển khai nhanh và tích hợp các tiêu chuẩn môi trường – xã hội – quản trị (ESG).

Theo bà Nguyễn Lê Dung – chuyên gia tư vấn đầu tư, nhiều quỹ từ Bắc Mỹ, châu Âu hiện đặt ESG là điều kiện tiên quyết để rót vốn. “Họ sẵn sàng trả giá cao hơn cho dự án xanh, minh bạch và quản trị rủi ro tốt”, bà Dung chia sẻ.

Mô hình branded residences (căn hộ có thương hiệu) cũng được kỳ vọng sẽ hút vốn mạnh trong thời gian tới, nhất là tại các đô thị trung tâm như Hà Nội, TP.HCM, nơi giới siêu giàu đang tìm kiếm những sản phẩm đặc thù như ở Bangkok, Dubai hay Singapore.

Không thể không nhắc tới một cú hích chính sách quan trọng từ Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. Đây được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá là bệ đỡ thể chế cần thiết, thúc đẩy dòng vốn đổ vào lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là khu công nghiệp và logistics – nơi nhu cầu tăng cao nhờ làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng.

Việt Nam đang cho thấy một thông điệp rõ ràng với nhà đầu tư quốc tế: Ổn định – cải cách – sẵn sàng đồng hành lâu dài. Đây là lợi thế cạnh tranh khác biệt mà không phải nền kinh tế mới nổi nào cũng có được trong bối cảnh thế giới phân mảnh và bất định như hiện nay.