Cơ hội từ thị trường Mỹ khi Trung Quốc đang chịu áp lực

Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2025 của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), ngày 23/7, từ góc nhìn doanh nghiệp, ông Trần Việt Anh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn, khẳng định, Mỹ đang là thị trường tiềm năng lớn, đặc biệt khi nhiều đối thủ như Trung Quốc đang chịu áp lực thuế.

“Hiện nay, nhiều mặt hàng có xuất xứ rõ ràng như nông sản, phần mềm, sản phẩm công nghệ cao của Việt Nam đang được ưa chuộng tại Mỹ. Nếu tận dụng tốt cơ hội này, xuất khẩu Việt Nam có thể tăng 10–12% từ nay đến cuối năm,” ông Việt Anh nhận định.

HUBA đề xuất ưu đãi lãi suất cho đầu tư trạm sạc, thúc đẩy xe điện

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM. Ảnh minh hoạ.

Dù đạt nhiều kết quả tích cực, ông Nguyễn Ngọc Hòa, chủ tịch HUBA cảnh báo, trong bối cảnh Mỹ siết chặt kiểm soát xuất xứ để tránh hàng trung chuyển, doanh nghiệp Việt có nguy cơ bị “vạ lây” nếu không minh bạch hóa nguồn gốc hàng hóa.

“Việc nhiều doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ đang bị nghi ngờ là hàng trung chuyển là nguy cơ lớn. Nếu không sớm khẳng định rõ hàng thuần Việt, chúng ta có thể bị đánh thuế oan, đánh mất thị phần và uy tín trên thị trường quốc tế,” ông Hòa nhấn mạnh.

HUBA đang kiến nghị thành phố và các cơ quan Trung ương cần sớm có cơ chế xác nhận địa chỉ hành chính mới để hỗ trợ doanh nghiệp bổ sung hồ sơ kịp thời với các tổ chức chứng nhận quốc tế như: FDA, HALAL, ISO. Đây là giải pháp cấp thiết nhằm bảo vệ uy tín hàng hóa Việt Nam trên thị trường xuất khẩu và giúp doanh nghiệp tận dụng tối đa các ưu đãi thuế quan trong bối cảnh rào cản kỹ thuật ngày càng gia tăng.

Đáng chú ý, một vướng mắc hành chính đang gây khó cho nhiều doanh nghiệp là bao bì in sẵn theo địa chỉ cũ không còn khớp với giấy phép kinh doanh do TP.HCM đã chuyển đổi sang mô hình chính quyền địa phương hai cấp từ ngày 1/7.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực – Thực phẩm TP.HCM (FFA), cho biết: “Chúng tôi không thể in bao bì mới do GPKD chưa kịp cập nhật, mà dùng bao bì cũ lại bị cho là sai địa chỉ, ảnh hưởng tới xuất xứ và chứng nhận quốc tế. Điều này gây đình trệ sản xuất, đặc biệt là với các doanh nghiệp xuất khẩu".

Trước thực trạng này, HUBA đã kiến nghị UBND TP.HCM cho phép doanh nghiệp tiếp tục sử dụng bao bì in theo địa chỉ cũ đến hết năm 2025 trong tất cả hoạt động thương mại, từ xuất nhập khẩu, hợp đồng, khai báo thuế cho đến nhãn mác sản phẩm.

“Thông thường bao bì được in sẵn từ 3 tháng đến 1 năm. Nếu buộc hủy bỏ bao bì in sẵn sẽ gây lãng phí lớn và ảnh hưởng tới dòng chảy hàng hóa,” ông Hòa phân tích, đồng thời đề xuất, không xử phạt doanh nghiệp vi phạm hành chính trong giai đoạn chuyển tiếp, và cần có hướng dẫn linh hoạt hơn trong xử lý địa chỉ mới.

Đề xuất ưu đãi lãi suất cho đầu tư trạm sạc, thúc đẩy xe điện

Một điểm nhấn khác tại hội nghị là HUBA đề xuất TP.HCM mở rộng chính sách ưu đãi từ Nghị quyết 98/2023/QH15 và Nghị quyết 09/2023/NQ-HĐND về hỗ trợ lãi suất cho các dự án đầu tư trọng điểm.

Cụ thể, cần mở rộng đối tượng hưởng lợi ra các doanh nghiệp nằm trên địa bàn hành chính cũ của Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu nay thuộc địa bàn TP.HCM sau khi điều chỉnh địa giới. Đồng thời, bổ sung thêm lĩnh vực mới như đầu tư hạ tầng giao thông xanh (trạm sạc điện cho ô tô, xe máy điện) vào danh mục được hỗ trợ lãi suất, nhằm thúc đẩy doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ hơn vào tiến trình chuyển đổi bền vững, phù hợp với định hướng phát triển xanh của Nhà nước.

Cùng với đó, HUBA công bố việc sáp nhập các hội doanh nghiệp cấp quận huyện thành các cụm doanh nghiệp khu vực, trực thuộc HUBA. Đây là bước đi chiến lược nhằm tăng cường liên kết, giảm phân mảnh tổ chức, giúp tiếng nói doanh nghiệp được thống nhất và mạnh mẽ hơn.

“Chúng tôi cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi và chuyển đổi. Từ truy xuất nguồn gốc hàng hóa, tận dụng chính sách thuế quan, đến tháo gỡ khó khăn hành chính, tất cả phải hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao vị thế hàng Việt trên thị trường quốc tế,” ông Hòa nhấn mạnh.