Vào cuối tháng 2 vừa qua, Bộ Chính trị đã đưa ra quyết định mang tính bước ngoặt: miễn toàn bộ học phí cho học sinh từ mầm non đến THPT tại các trường công lập trên toàn quốc, bắt đầu từ năm học 2025-2026 (tháng 9/2025).
Nhiều phụ huynh có con học trường tư thục, dân lập trong cả nước băn khoăn, liệu con của mình có được hưởng chính sách tương tự, và nếu có, mức hỗ trợ sẽ ra sao?
Khác với hệ thống trường công lập, các trường tư thục từ lâu đã áp dụng mức học phí cao, thậm chí có nơi lên tới hàng chục triệu đồng mỗi tháng. Theo chính sách mới, từ tháng 9/2025, học sinh tại các trường dân lập và tư thục sẽ được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần học phí, tương đương mức học phí trường công lập theo quy định pháp luật. Phần chênh lệch giữa mức phí này và học phí thực tế của trường tư sẽ do phụ huynh tự chi trả.
![]() |
Ảnh minh hoạ |
Lấy ví dụ tại Hà Nội, mỗi năm UBND thành phố phê duyệt mức học phí công lập theo khung thấp nhất mà Chính phủ quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP. Cụ thể:
- Học sinh vùng thành thị: 300.000 đồng/tháng;
- Vùng nông thôn: 100.000-200.000 đồng/tháng;
- Vùng dân tộc thiểu số: 50.000-100.000 đồng/tháng.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây (2022-2025), Hà Nội đã giảm 50% học phí cho học sinh công lập. Vì vậy, nếu áp dụng cấp bù cho trường tư dựa trên mức này, học sinh tại đây sẽ được giảm từ 50.000 đến 300.000 đồng/tháng, tùy khu vực. Dù vậy, con số cụ thể còn phụ thuộc vào quyết định của Hội đồng nhân dân từng tỉnh, thành phố, dựa trên khung học phí sàn và trần do Chính phủ ban hành.
Theo thống kê từ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), cả nước hiện có 23,2 triệu học sinh (chưa tính các trung tâm giáo dục nghề nghiệp và thường xuyên), bao gồm: 3,1 triệu trẻ dưới 5 tuổi; 1,7 triệu trẻ 5 tuổi; 8,9 triệu học sinh tiểu học; 6,5 triệu học sinh THCS; 3 triệu học sinh THPT.
Để thực hiện chính sách miễn học phí cho toàn bộ học sinh công lập, ngân sách nhà nước dự kiến chi khoảng 30.000 tỷ đồng mỗi năm học, dựa trên mức thu hiện hành của năm 2024-2025 theo Nghị định 81/2021. Tuy nhiên, con số này có thể thay đổi tùy theo mức học phí cụ thể mà từng địa phương quyết định.
Bộ GD&ĐT nhận định, học phí từ lâu đã là mối quan tâm lớn của hàng triệu gia đình mỗi dịp năm học mới. Việc miễn học phí cho học sinh từ mầm non đến THPT không chỉ giảm gánh nặng tài chính mà còn nâng cao chất lượng giáo dục, nhận được sự đồng thuận mạnh mẽ từ xã hội. Đây cũng là bước đi phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước và xu hướng của các quốc gia phát triển.
Dẫu vậy, với các gia đình có con em học trường tư, câu hỏi lớn vẫn là: Liệu mức cấp bù khiêm tốn từ 50.000 đến 300.000 đồng/tháng có thực sự tạo ra khác biệt, khi học phí tại đây thường cao gấp hàng chục lần?