Từ ngày 30/3 đến 4/4/2025, đoàn công tác tỉnh Long An do Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Út dẫn đầu có chuyến thăm và làm việc tại Nhật Bản. Đây là hoạt động quan trọng trong chương trình xúc tiến đầu tư năm 2025 của tỉnh, tập trung thu hút đầu tư, phát triển nông nghiệp công nghệ cao và mở rộng hợp tác địa phương.

Trong khuôn khổ chuyến công tác, đoàn sẽ khảo sát thực tế các mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại Ibaraki, nghiên cứu ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp tại Long An.

Một trong những điểm nhấn quan trọng của chuyến đi là “Chương trình Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Long An - Nhật Bản 2025”, diễn ra tại Tokyo vào ngày 31/3/2025. Sự kiện do UBND tỉnh Long An phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản tổ chức, nhằm giới thiệu môi trường đầu tư hấp dẫn của tỉnh và kết nối với các doanh nghiệp, tập đoàn hàng đầu Nhật Bản. Chương trình dự kiến thu hút sự tham gia của nhiều tổ chức ngoại giao, nhà đầu tư chiến lược và doanh nghiệp Nhật Bản, mở ra cơ hội hợp tác mới, thúc đẩy dòng vốn FDI vào Long An.

Tỉnh sẽ là đô thị vệ tinh của TP. HCM tới thăm Nhật Bản, muốn hút dòng vốn công nghệ cao
Lễ ký kết tuyên bố chung giữa tỉnh Long An và tỉnh Ibaraki chào mừng kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản

Chuyến công tác lần này đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa Long An và Nhật Bản, đồng thời mở ra cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, hạ tầng giao thông và đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao.

Hiện tại, Long An đã thu hút khoảng 1.512 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 14,3 tỷ USD. Trong đó, Nhật Bản có 161 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 1,2 tỷ USD, đứng thứ 4 trong số 40 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại tỉnh. Với chuyến xúc tiến đầu tư lần này, Long An kỳ vọng sẽ thu hút thêm nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đến khảo sát, mở rộng hợp tác và đóng góp vào sự phát triển bền vững của địa phương.

Theo Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố Tân An sẽ là đô thị loại I đến năm 2030, là trung tâm chính trị, hành chính, đô thị hạt nhân, đô thị vệ tinh của TP. HCM.

Đồng thời, đây sẽ là trung tâm thương mại, dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, hiện đại phía Đông Bắc của vùng đồng bằng sông Cửu Long, đô thị cửa ngõ giữa vùng Đông Nam Bộ và vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đáng chú ý, quy hoạch nêu rõ, thành phố Tân An sẽ đảm bảo diện tích tự nhiên từ 150km2 trở lên.