Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), nửa đầu năm 2025, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Mỹ đạt 905 triệu USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2024.
Xét theo từng tháng, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể trong tháng 3, tháng 4 và đặc biệt là tháng 5/2025 với mức tăng 61% so với cùng kỳ. Đây là tháng có kim ngạch cao nhất trong 6 tháng đầu năm, đạt hơn 234 triệu USD. Tuy nhiên, tháng 6, xuất khẩu lại giảm mạnh gần 18% so với cùng kỳ, chỉ còn 131 triệu USD.
![]() |
Ảnh minh họa |
3 nhóm sản phẩm chủ lực gồm tôm, cá tra và cá ngừ tiếp tục giữ vai trò dẫn dắt xuất khẩu thủy sản sang thị trường Mỹ, với tổng giá trị 6 tháng đầu năm đạt hơn 700 triệu USD, chiếm 77% tổng kim ngạch.
Trong đó, xuất khẩu tôm đạt hơn 341 triệu USD, tăng gần 13% so với cùng kỳ. Đặc biệt trong tháng 5, xuất khẩu tôm sang Mỹ tăng mạnh tới 66%, nhưng sang tháng 6 lại giảm sâu 36,5%.
Xuất khẩu cá tra ghi nhận mức tăng trưởng ổn định hơn, đạt 175 triệu USD trong nửa đầu năm, tăng gần 10%. Sau khi giảm nhẹ trong tháng 3 và 4, cá tra phục hồi mạnh trong tháng 5 và tiếp tục tăng trưởng trong tháng 6 – cho thấy sự ổn định trong nhu cầu đối với mặt hàng này dù thị trường có nhiều biến động.
Đối với cá ngừ, kim ngạch 6 tháng đầu năm đạt gần 184 triệu USD, tăng 6,5%. Tuy nhiên, cũng như tôm, mặt hàng này ghi nhận mức tăng mạnh trong tháng 5 (37,5%) và sau đó giảm mạnh hơn 40% trong tháng 6.
Trong khi đó, giá trị xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc đạt 1,1 tỷ USD, tăng mạnh tới 45% so với cùng kỳ. Với con số này, Trung Quốc đã chính thức vượt qua Mỹ để trở thành nước nhập khẩu thủy sản của Việt Nam nhiều nhất.
Theo VASEP, trong thời gian tới, các doanh nghiệp Việt Nam cần đa dạng hóa thị trường, tránh phụ thuộc quá lớn vào thị trường Mỹ; mở rộng thị phần ở các thị trường có FTA như CPTPP, EU, Hàn Quốc... Tối ưu hóa chuỗi cung ứng để giảm thiểu chi phí phát sinh và rủi ro logistics.
Đặc biệt khuyến nghị doanh nghiệp chú trọng minh bạch truy xuất nguồn gốc và xuất xứ nguyên liệu, đây là yếu tố then chốt trong bối cảnh các chính sách thuế đối ứng ngày càng gắn chặt với tiêu chí về nguồn gốc hàng hóa. Cần đảm bảo toàn bộ chuỗi cung ứng – từ nguyên liệu, chế biến đến xuất khẩu – được giám sát chặt chẽ, có hồ sơ đầy đủ để chứng minh xuất xứ hợp pháp,... Đồng thời ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số, từ truy xuất nguồn gốc điện tử đến quản trị đơn hàng thông minh – nhằm tăng khả năng phản ứng nhanh với biến động chính sách và thị trường.