Theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam trong bốn tháng đầu năm 2025 đạt 21,15 tỷ USD, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, giá trị xuất siêu đạt trên 5 tỷ USD, một con số rất đáng khích lệ trong bối cảnh chi phí đầu vào, vận chuyển và logistics vẫn chịu nhiều áp lực.
Trong cơ cấu xuất khẩu, nhóm nông sản đạt 11 tỷ USD, lâm sản 5,2 tỷ USD và thủy sản xấp xỉ 3 tỷ USD. Đặc biệt, sáu mặt hàng nông sản đã vượt mốc 1 tỷ USD, trong đó có hai mặt hàng cán mốc trên 3 tỷ USD. Cà phê chính là “ngôi sao” sáng nhất với mức kim ngạch 3,8 tỷ USD, mức tăng trưởng ấn tượng hơn 50% so với cùng kỳ năm 2024.
Đại diện Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, thành công của ngành cà phê không chỉ đến từ sản lượng ổn định, mà đặc biệt nhờ vào sự gia tăng mạnh mẽ của giá xuất khẩu trung bình, hiện đạt gần 5.700 USD/tấn. So với cùng kỳ năm trước, mức giá này tăng tới 67,5%, lập kỷ lục cao nhất trong nhiều năm qua.
![]() |
Xuất khẩu cà phê tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh minh họa |
Giá cà phê tăng mạnh phản ánh sự chuyển biến tích cực về chất lượng sản phẩm, thương hiệu cà phê Việt ngày càng được công nhận trên thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong nước cũng tích cực mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu cà phê rang xay và hòa tan.
Ngoài cà phê, một số mặt hàng khác cũng ghi nhận tăng trưởng tích cực. Tôm đạt kim ngạch 1,2 tỷ USD (tăng 28%), cao su đạt 860 triệu USD (tăng 19%), gỗ và sản phẩm gỗ đạt 5,2 tỷ USD (tăng gần 6%). Các mặt hàng như hạt tiêu, điều… cũng tăng giá nhờ nhu cầu lớn từ các thị trường khó tính.
Việc mở rộng thị trường xuất khẩu đóng vai trò quan trọng trong kết quả khả quan của toàn ngành. Xuất khẩu sang châu Phi tăng đột biến tới 78%, châu Âu tăng 37% và châu Mỹ tăng 12%. Điều này thể hiện sự linh hoạt của ngành nông nghiệp Việt Nam trong việc giảm phụ thuộc vào các thị trường truyền thống và thích nghi nhanh với thay đổi toàn cầu.
![]() |
Nhiều mặt hàng nông sản ghi nhận tăng trưởng tích cực. Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, xuất khẩu sang thị trường chủ lực châu Á lại giảm nhẹ hơn 1%. Điều này phản ánh những thách thức về hàng rào kỹ thuật và cạnh tranh giá, đòi hỏi nỗ lực lớn hơn trong đàm phán và cải thiện tiêu chuẩn chất lượng.
Dù bức tranh chung khá tươi sáng, vẫn còn một số điểm trầm cần lưu ý. Gạo vốn là một trong những ngành hàng chủ lực đã giảm 14% về giá trị, còn 1,8 tỷ USD. Giá xuất khẩu gạo trung bình cũng giảm mạnh 20%, xuống còn 514 USD/tấn. Rau quả cũng đi theo chiều hướng tương tự, giảm 14% xuống 1,6 tỷ USD.
Nguyên nhân được cho là sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường quốc tế, đồng thời yêu cầu ngày càng cao về chất lượng, truy xuất nguồn gốc và tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.
Trước những thách thức mới, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp: hoàn thiện đề án phát triển hệ thống logistics nông sản đến năm 2030, thúc đẩy mở rộng thị trường tại các quốc gia châu Âu như Anh và Đức, tăng cường thông tin thị trường qua bản tin định kỳ và đẩy mạnh đàm phán với các đối tác lớn như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc.