Hạ tầng nghìn tỷ, tốc độ đô thị hóa bứt phá và dòng vốn FDI chảy mạnh vào công nghiệp, tất cả đang hội tụ để biến vùng ven Thủ đô thành “tâm chấn” đầu tư bất động sản trong giai đoạn tới. Đó là nhận định đáng chú ý của ông Lê Đình Chung, Tổng Giám đốc SGO Homes tại hội thảo “Triển vọng đầu tư bất động sản tại các đô thị Vùng Thủ đô”, sáng 15/5.
![]() |
Ông Lê Đình Chung chỉ ra, đây là thời điểm vàng để đi trước đón đầu, với điều kiện là nhà đầu tư phải hiểu đúng tọa độ tăng trưởng, đi đúng theo quy hoạch và chọn đúng thời điểm. Ảnh: reatimes. |
Theo ông Chung, trong giai đoạn 2021–2025, hàng trăm nghìn tỷ đồng đã và đang được phân bổ vào hạ tầng giao thông tại các tỉnh vùng Thủ đô như Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên và Quảng Ninh. Đây chính là đòn bẩy giúp bất động sản khu vực này ghi nhận mức tăng trưởng giá 15–20%/năm – mức tăng ấn tượng trong bối cảnh thị trường Hà Nội gần như đi ngang.
Một ví dụ điển hình được ông Chung nhấn mạnh là tuyến đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô đi qua Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Nội với tổng vốn gần 86.000 tỷ đồng. Khi hoàn thiện, tuyến này không chỉ rút ngắn thời gian kết nối liên vùng, mà còn trực tiếp kích hoạt mặt bằng giá đất tại các điểm nút giao thông.
“Ngay từ khi khởi công, nhiều khu vực như Văn Giang (Hưng Yên) hay Từ Sơn (Bắc Ninh) đã chứng kiến mức tăng giá đất 20–30% chỉ trong vòng 12–18 tháng – một con số vượt xa mặt bằng chung thị trường,” ông Chung dẫn chứng.
Đặc biệt, CEO SGO Homes dành nhiều thời lượng phân tích trục Hà Nội – Hưng Yên, nơi đang trở thành tọa độ đầu tư “all-in-one”, hội tụ cả hạ tầng, công nghiệp, đô thị hóa.
Tại khu vực Văn Giang – Yên Mỹ, nhiều siêu dự án đang tái định hình diện mạo đô thị. Ông Chung nêu cụ thể: Khu đô thị Ecopark, Dream City của Vingroup, kết hợp với hàng loạt khu công nghiệp mở rộng như Yên Mỹ II, Thăng Long II, đang kéo theo dòng vốn đầu tư lẫn dân cư về đây ổn định và dài hạn.
“Giá đất nền tại Văn Giang từ mức 25–30 triệu đồng/m² năm 2022, đã tăng lên 35–45 triệu đồng/m² năm 2024 – tương đương mức tăng 15–20%/năm. Và xu hướng này chưa dừng lại,” ông Chung nói.
Theo ông Chung, nhà đầu tư không còn nhìn vùng ven chỉ qua lăng kính giá rẻ. Điều đang tạo nên lợi thế kép là sự đồng bộ về quy hoạch, hạ tầng và chất lượng sống ngày càng tiệm cận trung tâm.
Các khu đô thị mới theo mô hình “thành phố trong thành phố”, với đầy đủ tiện ích mua sắm, giáo dục, y tế, giải trí, đang hình thành một hệ sinh thái sống chất lượng, thu hút không chỉ người dân, mà cả giới chuyên gia, chuyên viên cao cấp về cư trú và làm việc.
“Khi giá đất vùng ven vẫn thấp hơn Hà Nội từ 3–5 lần, thì đây là lợi thế kép vừa giúp chủ đầu tư tối ưu chi phí phát triển, vừa mở rộng khả năng sở hữu nhà ở cho người dân có nhu cầu thực. Đó là lợi thế mà nhà đầu tư thông minh cần nắm bắt ngay trong giai đoạn đầu,” ông Chung nhấn mạnh.
Mặc dù lạc quan về xu hướng tăng trưởng của bất động sản vùng ven, CEO SGO Homes cũng đưa ra cảnh báo: “Không phải vùng ven nào cũng là cơ hội. Nhà đầu tư phải "soi kỹ" pháp lý, quy hoạch và khả năng khai thác thực tế".
"Nên phân bổ vốn hợp lý và chọn lọc khu vực có động lực tăng trưởng rõ ràng, đặc biệt là các đô thị vệ tinh gắn liền với phát triển công nghiệp và có sự tham gia của các chủ đầu tư uy tín", ông khuyến nghị.