Câu chuyện tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được ví giống như "một phép màu". Từ một nước nghèo, lạc hậu, kém phát triển với tốc độ tăng trưởng chỉ đạt trung bình 1,4%/năm (giai đoạn 1976-1980), Việt Nam đã vươn lên mạnh mẽ trở thành quốc gia tiệm cận mức thu nhập trung bình cao. Quy mô GDP tăng gấp 246 lần sau 3 thập kỷ, tổng thu nhập quốc gia theo giá thực tế sắp chạm mốc 10 triệu tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng GDP trung bình từ 6-7%, thuộc nhóm cao nhất thế giới.

Đi sâu hơn vào bức tranh tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, những kết quả tích cực về tốc độ tăng trưởng được biểu hiện cụ thể trên một số góc độ cụ thể sau.

Ở góc độ thứ nhất, về số năm tăng trưởng liên tục, theo thống kê, tính đến năm 2024 Việt Nam đã đạt được 43 năm tăng trưởng liên tiếp, đứng hàng đầu thế giới, chỉ thua kỷ lục 46 năm của Trung Quốc.

Tốc độ tăng trưởng liên tục là một yếu tố quan trọng để Việt Nam vượt qua hàng loạt cuộc khủng hoảng trong gần 50 năm qua: Khủng hoảng kinh tế - xã hội tiềm ẩn từ cuối những năm 70, diễn ra trong thập kỷ 80, kéo dài tới những năm đầu trong thập kỷ 90 của thế kỷ 20; Cuộc khủng hoảng tiền tệ 1997 - 1998 diễn ra ở Đông và Đông Nam Á; Cuộc đại khủng hoảng tài chính và suy thoái toàn cầu diễn ra từ cuối năm 2008; Đại dịch COVID-19 cùng một lúc với cuộc khủng hoảng kinh tế diễn ra trong hai năm 2020 – 2021; Khủng hoảng năng lượng năm 2022…

Ở góc độ thứ hai, Việt Nam đã có những năm đạt tốc độ tăng trưởng khá cao. Điển hình như giai đoạn 1992-1997 tăng trưởng 8 - 9%/năm; hay các năm 2002 đến 2005, 2018, 2019, 2022 đạt trên 7%/năm, đặc biệt năm 2024 đạt 7,09%, vừa vượt mục tiêu tăng trưởng vừa vượt mục tiêu kiểm soát lạm phát. Đáng chú ý, kết quả kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm nay cũng cho thấy những kết quả ấn tượng, thiết lập hàng loạt kỷ lục mới, bao gồm tăng trưởng GDP cao nhất gần 20 năm, sản xuất công nghiệp tăng trưởng cao nhất 5 năm, thu hút FDI cao nhất 21 năm… phản ánh kết quả tích cực sau khi Chính phủ quyết liệt triển khai các chính sách hỗ trợ nhằm đạt mục tiêu tăng trên 8% trong năm nay.

Với mức tăng trưởng trung bình 6-7%, Việt Nam đa lọt vào top các quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới.

Ở góc độ thứ ba, nhờ đạt được tốc độ tăng trưởng cao, tổng GDP và GDP bình quân đầu người đạt được sự vượt trội. Tổng GDP của Việt Nam tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái đã tăng khá trong thời gian qua.

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng 43 năm liên tiếp, GDP bình quân 6-7% đứng hàng đầu thế giới
Tổng GDP của Việt Nam tính bằng USD theo giá thực tế - Nguồn: Tác giả tổng hợp

Với quy mô trên, Việt Nam đã chuyển từ nước có quy mô kinh tế nhỏ thành nước có quy mô kinh tế lớn hơn và có sức hấp dẫn hơn đối với thế giới.

GDP bình quân đầu người của Việt Nam cũng theo đó tăng lên.

Theo đó, nếu năm 1988 Việt Nam còn nằm trong nhóm nước thuộc nhóm thấp nhất thế giới, thì đến năm 2008 nước ta đã chuyển sang nhóm nước có thu nhập trung bình (thấp) và duy trì cho đến hiện tại. Hiện nước ta cũng đang đặt mục tiêu chuyển sang nước có thu nhập cao vào năm 2045.

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng 43 năm liên tiếp, GDP bình quân 6-7% đứng hàng đầu thế giới
GDP bình quân Việt Nam giai đoạn 1991 - 2024 - Nguồn: IMF

Ở góc độ thứ tư, nhờ công cuộc đổi mới (lần 1), các yếu tố của tốc độ tăng trưởng đã đạt được những kết quả tích cực. Theo thống kê, tỷ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên GDP của Việt Nam thuộc top cao của thế giới, chỉ thấp thua một số nước, như CHND Trung Hoa, Na Uy…

Cụ thể, tỷ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên GDP bình quân các năm 2006-2010 đạt 39,2%; 2011-2015 là 31,7%; 2016-2020 là 34,6%; năm 2021 là 34,1%; 2022 là 33,5%; 2023 là 33,2%; 2024 ước đạt 32,1%.

Như vậy, những con số này đều cho thấy rõ Việt Nam đã có những bước phát triển kinh tế vượt bậc, đánh dấu sự chuyển mình mạnh mẽ từ một quốc gia kém phát triển đến một trong những nước có mức tăng trưởng cao nhất thế giới.

Đây sẽ là nền tảng và bệ phóng vững chắc để Việt Nam tiếp tục chinh phục những đỉnh cao mới: Đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.