Lãi suất điều hành tiếp tục giảm

Ngày 23/5, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có quyết định giảm lãi suất điều hành áp dụng từ ngày 25/5/2023. Đây là lần thứ ba NHNN ra quyết định giảm lãi suất điều hành để hỗ trợ nền kinh tế kể từ đầu năm 2023.

Đây là động thái đã được giói phân tích dự báo từ trước. TS. Cấn Văn Lực đã chỉ ra rằng có nhiều lý do để Việt Nam tiếp tục giảm lãi suất. Hiện áp lực lạm phát, lãi suất, tỷ giá đã và đang giảm đi rất nhiều do với năm ngoái, đồng thời thanh khoản của hệ thống ngân hàng tốt hơn quý 4/2022.

“Chúng ta có đầy đủ dư địa để giảm mặt bằng lãi suất, nếu dung hoà được chính sách, chúng ta có thể giảm được lãi suất từ 1 đến 2 điểm % từ nay đến cuối năm và bắt đầu ngay trong quý 2”, TS. Cấn Văn Lực cho biết.

Lãnh đạo các ngân hàng cũng thể hiện sự đồng tình với quyết định này của NHNN. Ông Lê Quang Vinh, Phó Tổng giám đốc Vietcombank chia sẻ: “Đối với lần giảm lãi suất lần này, chúng tôi thấy đây là một quyết định đúng đắn, cũng đúng thời điểm và Vietcombank cũng sẽ nhanh chóng triển khai các nội dung liên quan để trả lãi suất theo chỉ đạo của NHNN”.

Động thái giảm lãi suất điều hành này là cơ sở để các ngân hàng giảm lãi suất huy động, từ đó giảm lãi suất cho vay. Theo giới phân tích, lãi suất điều hành sau khi điều chỉnh giảm đang khá phù hợp với diễn biến lạm phát hiện nay và sức ép tỷ giá cũng không quá lớn. Tuy nhiên để lãi suất cho vay có thể giảm thì vẫn cần độ trễ từ 1-2 tháng tới để các ngân hàng đê các ngân hàng có thời gian huy động đủ nhiều ở mức lãi suất thấp.

Lý giải việc lãi suất cho vay hiện vẫn ở mức cao, NHNN đã chỉ ra nhiều nguyên nhân như việc phụ thuộc nhiều vào kênh cung ứng vốn từ hệ thống ngân hàng, áp lực về lạm phát và tỷ giá cả trong và ngoài nước.

Ngân hàng đứng trước áp lực sụt giảm tiền gửi

“Xu hướng tín dụng tháng 5/2023 là không khả quan”, đó là nhận định của các chuyên gia phân tích Chứng khoán Rồng Việt (VDSC).

Theo đó, theo thông tin của NHNN tại Hội nghị ngành ngân hàng, tính đến 27/4, tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,28 triệu tỷ đồng, tăng 3,04% so với cuối năm 2022. Tuy nhiên, tổng huy động vốn chỉ tăng 1,78%, chỉ bằng 50% so với tốc độ tăng trưởng tín dụng.

“Tốc độ tăng tín dụng và huy động vốn giảm mạnh trong 3 tháng đầu năm 2023, do cầu yếu và lãi suất vẫn cao. Huy động vốn của khu vực các tổ chức kinh tế giảm mạnh và tốc độ huy động vốn của ngành ngân hàng cũng thấp hơn rất nhiều so với tốc độ bình quân trong 10 năm trở lại đây”, TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (Ban Kinh tế Trung ương) đánh giá.

Ông cho rằng, huy động vốn khu vực tổ chức kinh tế giảm trong khi tín dụng tăng chậm phản ánh tình trạng thanh khoản khó khăn của các doanh nghiệp; những doanh nghiệp tốt có dư thừa thanh khoản đã phải rút tiền gửi về để đáp ứng nhu cầu thanh khoản của bản thân.

Thực tế, quý 1/2023 vừa qua cho thấy tiền gửi khách hàng của 28 ngân hàng không có nhiều tăng trưởng mạnh trong 3 tháng đầu năm. Tổng tiền gửi khách hàng đạt 8,6 triệu tỷ đồng, tăng 3,7% so với đầu năm.

Lãi suất giảm, ngân hàng đối mặt áp lực sụt giảm tiền gửi gia tăng
(Nguồn: Tổng hợp từ BCTC các ngân hàng

3 ngân hàng quốc doanh vẫn ghi nhận lượng tiền gửi cao nhất, tuy nhiên tăng trưởng cũng không đáng kể. BIDV là ngân hàng có lượng tiền gửi nhiều nhất đạt 1,49 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 1,6% so với đầu năm.

Hầu hết ngân hàng đều không ghi nhận tăng trưởng mạnh về lượng tiền gửi trong 3 tháng đầu năm với mức tăng dao động chỉ từ 1-5% so với đầu năm. Thậm chí có những ngân hàng có lượng tiền gửi giảm như ABBank, VietBank, NCB.

Lãi suất liệu có giảm tiếp?

Hiện tại, các lãi suất điều hành cơ bản đã giảm trung bình khoảng 100 điểm cơ bản so với hồi đầu năm. Theo giới phân tích, dư địa để NHNN tiếp tục giảm lãi suất là khá hạn hẹp.

Theo các chuyên gia VDSC, xét ở góc độ điều hành chính sách tiền tệ thận trọng thì dư địa để giảm thêm lãi suất điều hành là hạn hẹp nếu nhìn trong tương quan lãi suất USD-VND.

Đặt trong tương quan chính sách tiền tệ là “cứu cánh” đối với tình hình kinh tế trong nước, các chuyên gia cho rằng vẫn có khả năng sẽ có thêm một đợt giảm lãi suất 50-100 điểm cơ bản trong quý 3/2023, đưa lãi suất điều hành về gần mức trước đợt tăng mạnh vào tháng 10 năm ngoái. Điều này đồng nghĩa với việc NHNN phải mạnh dạn đi thêm một bước nữa, dùng công cụ lãi suất điều hành để tạo áp lực giúp mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế giảm thêm.

Cùng quan điểm, Chứng khoán Maybank (MBKE) cũng cho rằng NHNN sẽ hạ thêm 0,5-1% cho lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu và trần lãi suất tiền gửi từ 1 đến 6 tháng trong bối cảnh tăng trưởng GDP gặp nhiều trở ngại dai dẳng. MBKE hy vọng việc hạ lãi suất sẽ được thực hiện tiếp trong ba tháng tới.