Lãi suất vay mua nhà tăng cao khiến người mua "nóng ruột"

Theo một số chuyên gia, nếu lãi suất thấp, người dân có xu hướng rút tiền đổ vào lĩnh vực bất động sản để tìm kiếm mức lợi nhuận tốt hơn. Nhưng nếu lãi suất cao thì ngược lại, người dân sẽ gửi tiền vào ngân hàng, dòng tiền vào bất động sản hạn chế. Mặt khác, lãi suất cho vay tăng, nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính không có khả năng trả nợ sẽ buộc phải bán cắt lỗ.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế nhận định, khi lãi suất cho vay tăng, những người đã vay tiền để mua nhà, mua xe trước đó đương nhiên sẽ phải "cõng" thêm mức lãi suất mới.

" Hiện nay, ngân hàng nào cho vay mua nhà đều có ưu đãi trong 1 – 2 năm, khi hết thời gian ưu đãi, lãi suất sẽ thả nổi theo thị trường. Do đó, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù lãi suất có thấp như năm 2021 đi chăng nữa thì cũng phải tính đến việc lãi suất sẽ tăng cao trở lại. Do đó, trước khi lựa chọn vay ngân hàng mua tài sản là đất hoặc nhà trả góp, người dân phải tính toán mức lãi suất lâu dài, tránh trường hợp không thể thanh toán được theo tiến độ" , chuyên gia Đinh Trọng Thịnh khuyến cáo.

Cũng theo ông Thịnh, người vay mua nhà nên cân nhắc khả năng chi trả cả gốc lẫn lãi cho ngân hàng, không nên chi quá 30% thu nhập cho khoản vay. Bên cạnh đó, cần ước tính giá trị căn nhà dự định mua dựa trên mức thu nhập cùng tiền mặt có sẵn và chỉ nên vay trong khả năng trả nợ.

Khảo sát thực tế cho thấy, lãi suất cho vay mua nhà chưa có dấu hiệu giảm. Đơn cử như, lãi suất cho vay mua nhà ngân hàng Wooribank trong năm đầu tiên là 10%, từ năm thứ 2, lãi suất thả nổi. Mức lãi suất này được tính bằng lãi suất gửi tiết kiệm của các ngân hàng trong nhóm Big4 cộng với biên độ 3,8%.

Ngân hàng Agribank hiện cho vay với mức lãi suất ưu đãi năm đầu tiên là 8%. Từ năm thứ 2, mức lãi suất thả nổi. Ngân hàng VIB cho vay với mức lãi suất mua nhà lên tới 13,5 - 15%/năm.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, mức lãi suất cho vay cao là vấn đề khiến người mua nhà lo ngại. Đặc biệt, người mua nhà không dự trù được mức lãi suất thả nổi sẽ diễn biến thế nào nên khó đưa ra kế hoạch tài chính trả nợ. TS. Hiếu cho biết thêm: "Ở Mỹ, các ngân hàng cho vay 30 năm với lãi suất cố định. Tại Mỹ gọi là "30 year Fixed Rate Mortgage". Lãi suất cho vay này hiện nay vào khoảng 7%. Cách đây hơn 20 năm, khi mua nhà, lãi suất mà tôi vay khoảng 4%. Các ngân hàng Mỹ tính gốc và lãi cộng chung cho mỗi tháng, và lãi suất cũng như số tiền phải trả cả gốc và lãi không thay đổi trong suốt 30 năm”.

Còn ở Việt Nam, các ngân hàng có lãi suất thả nổi. Đó là vấn đề khá rủi ro đối với người mua nhà. Cũng bởi vấn đề này mà TS. Hiếu cho rằng, cần có lãi suất cố định cho người mua nhà. Và việc thúc đẩy người mua nhà dễ tiếp cận với vốn vay sẽ góp phần đẩy nhanh thanh khoản thị trường.

Để hỗ trợ người mua nhà, ông cho rằng, Ngân hàng Nhà nước phải có gói hỗ trợ như trước đây là gói 30.000 tỉ đồng và trong bối cảnh hiện nay thì quy mô gói hỗ trợ lên tới 50.000 tỉ đồng với lãi suất đâu đó khoảng 6% để giúp người có thu nhập thấp tiếp cận được nhà ở.

TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, chương trình cho vay của các ngân hàng tại Việt Nam hiện nay phần nào đã lỗi thời và cần một sự cải tổ. Đơn cử, ngân hàng có các gói vay 10 năm, 20 năm, 30 năm nhưng lãi suất lại áp dụng lãi suất thả nổi.

Đề suất gỡ khó tín dụng cho người vay mua nhà

Các chuyên gia cho rằng, khi người dân vay được vốn mua nhà sẽ giúp thanh khoản được cải thiện, từ đó giúp thị trường bất động sản nóng trở lại.

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã đưa ra đề xuất cho phép người mua nhà ở thương mại có mức giá dưới 1,8 tỷ đồng hoặc 2 tỷ đồng/căn được hỗ trợ giảm 2%/năm lãi suất vay tín dụng hoặc với lãi suất hợp lý do Ngân hàng Nhà nước quy định.

Thời gian hỗ trợ tính từ ngày giải ngân khoản vay đến thời điểm khách hàng trả hết nợ gốc và lãi tiền vay, nhưng không vượt quá ngày 31/12/2023.

Đề suất này được đưa ra xuất phát từ việc thị trường xuất hiện nhiều chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại đang thực hiện chính sách giảm giá bán nhà, chiết khấu sâu nên có một số dự án giá bán căn hộ chỉ còn khoảng 2 tỷ đồng/căn. Đáng nói, dù đã giảm giá mạnh nhưng người mua nhà ở thương mại vẫn chưa vay được tín dụng với lãi suất hợp lý để mua nhà.

Trong khi đó, Nghị định 31/2022 chỉ hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Hay công điện số 1164 ngày 14/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cung ứng vốn tín dụng kịp thời cho nền kinh tế; cho vay, giải ngân nhanh chóng, đúng trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng đối với các doanh nghiệp, dự án bất động sản đủ điều kiện nhưng chưa có chính sách hỗ trợ giảm 2%/năm lãi suất hoặc vay với lãi suất hợp lý cho người mua nhà ở thương mại có mức giá khoảng dưới 1,8 - 2 tỷ đồng/căn.

Theo HoREA, gói tín dụng 40.000 tỷ đồng hỗ trợ giảm 2%/năm lãi suất vay theo Nghị định 31/2022 đến hết tháng 10/2022 mới chỉ giải ngân được khoảng 21.000 tỷ đồng, tương đương 52,5%. Nếu không sử dụng hết thì lãng phí nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước.

“Thị trường hiện nay cũng đang đóng băng, người dân, doanh nghiệp khó tiếp cận được vốn vay. Giá bất động sản đang quá cao, nhiều chủ đầu tư muốn bán được nhà đã phải giảm giá... Khi người dân vay được vốn mua nhà sẽ giúp thanh khoản được cải thiện, từ đó giúp thị trường bất động sản ấm trở lại”, ông Châu nhấn mạnh.

Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cũng cho rằng cần tạo cơ chế thông thoáng đối với người dân vay mua nhà ở thực, hạn chế và giảm thiểu tối đa các chi phí liên quan đến thủ tục vay vốn.

Cùng với đó, cần nghiên cứu, cung cấp các gói tín dụng đặc biệt nhằm kích cầu và thỏa mãn lực cầu thực hướng đến nhóm đối tượng người có thu nhập thấp vay mua nhà để ở, tương tự gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng năm 2013.