Trong bối cảnh thanh toán số bùng nổ, một xu hướng đang lặng lẽ đảo chiều: các ứng dụng ngân hàng truyền thống tại Việt Nam đang dần chiếm ưu thế so với các nền tảng Fintech độc lập như MoMo, ZaloPay hay ShopeePay.

Theo báo cáo mới nhất từ Decision Lab, ứng dụng do các ngân hàng phát triển đang ngày càng phổ biến ở mọi thế hệ, trở thành lựa chọn chính của người dùng trong việc sử dụng dịch vụ tài chính kỹ thuật số – một vị thế vốn từng là “lãnh địa” của các ví điện tử.

Báo cáo khảo sát hơn 1.400 người tiêu dùng tại Việt Nam trong quý IV/2024 cho thấy mức độ sử dụng và yêu thích các ứng dụng Fintech độc lập đang đồng loạt sụt giảm. MoMo và ZaloPay đều giảm 8 điểm về tần suất sử dụng so với quý trước. ShopeePay và VNPay cũng không ngoại lệ, lần lượt giảm 4 điểm.

Về mức độ yêu thích, 40% người dùng vẫn chọn MoMo là nền tảng họ sử dụng thường xuyên nhất, nhưng đã giảm 3 điểm so với quý III. ZaloPay cũng ghi nhận mức giảm 2 điểm, xuống chỉ còn 9%.

Dù vậy, MoMo (61%) và ZaloPay (36%) vẫn là hai nền tảng có tỷ lệ thâm nhập cao nhất. MoMo hiện có khoảng 31 triệu người dùng, còn ZaloPay tận dụng lợi thế tích hợp với ứng dụng nhắn tin Zalo – nền tảng có hơn 77 triệu người dùng hoạt động hàng tháng.

Từng là ‘ông vua’ ví điện tử, MoMo và ZaloPay đang dần hụt hơi trước đối thủ quen thuộc
Các nền tảng hàng đầu cho tài chính kỹ thuật số – Tỷ lệ ưa thích (%) theo thế hệ. (Nguồn: Decision Lab)

Trong khi các Fintech dần hụt hơi, các ứng dụng do ngân hàng phát triển lại ghi nhận sự tăng trưởng mạnh. Tỷ lệ người dùng sử dụng các ứng dụng ngân hàng làm nền tảng tài chính kỹ thuật số chính trong quý IV/2024 đã tăng 3 điểm so với quý trước, đạt 26%. Tỷ lệ thâm nhập toàn thị trường hiện là 34% – chỉ kém nhẹ so với các nền tảng lớn như MoMo.

Điều đáng chú ý là mức độ trung thành của người dùng với ứng dụng ngân hàng đang tăng, trong khi Fintech đang chứng kiến chiều ngược lại.

Sự thay đổi hành vi người dùng phần lớn được thúc đẩy bởi các thế hệ lớn tuổi hơn – đặc biệt là Gen X (1960–1980). Nhóm này giảm mạnh mức độ yêu thích với MoMo (giảm 8 điểm, còn 35%) và đồng thời tăng tỷ lệ sử dụng ứng dụng ngân hàng lên 30%, tăng 4 điểm theo quý.

Millennials (1981–1996) cũng thể hiện xu hướng tương tự: mức độ ưu tiên với ZaloPay giảm 7 điểm, trong khi tỷ lệ sử dụng ứng dụng ngân hàng tăng 5 điểm, đạt 23%.

Việc ngân hàng ngày càng “hấp dẫn” hơn với người dùng kỹ thuật số là kết quả từ những nỗ lực chuyển đổi số mạnh mẽ trong vài năm qua.

Từng là ‘ông vua’ ví điện tử, MoMo và ZaloPay đang dần hụt hơi trước đối thủ quen thuộc
Các nền tảng tài chính kỹ thuật số hàng đầu – Tỷ lệ thâm nhập (%). (Nguồn: Decision Lab)

Vietcombank đã triển khai trợ lý ảo VCB Digibot ứng dụng AI, hỗ trợ 24/7 và xử lý tới 2 triệu tương tác chỉ trong 6 tháng. Hiện Digibot đã xử lý 88% truy vấn của người dùng.

MB đầu tư 50 triệu USD mỗi năm cho chuyển đổi số, phát triển một siêu ứng dụng tích hợp hơn 200 tiện ích.

TPBank hợp tác với Backbase để nâng cấp hệ thống ngân hàng lõi và nền tảng số đa kênh.

Techcombank hướng đến tăng tỷ lệ nhân sự số lên 30% trong 5 năm tới và đẩy mạnh ứng dụng AI trong toàn bộ vận hành.

Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện 96% ngân hàng đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi số và 92% đã phát triển các dịch vụ Internet Banking, Mobile Banking.

Thanh toán kỹ thuật số và ngân hàng trực tuyến tại Việt Nam đang chứng kiến mức tăng trưởng vượt bậc. Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cho biết có ngân hàng đã đạt 97–98% tổng giao dịch qua kênh số.

NAPAS – đơn vị vận hành hạ tầng thanh toán quốc gia – cũng ghi nhận hơn 9,56 tỷ giao dịch trong năm 2024, tăng 30% so với cùng kỳ.

Ngân hàng, với nền tảng tài chính vững chắc và năng lực triển khai công nghệ ngày càng nhanh, đang từng bước “cướp lại sân chơi” từ tay các Fintech non trẻ – vốn trước đây từng là biểu tượng của sự đột phá và tiện lợi.