Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, lượng thép nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam trong tháng 4/2025 đạt 718.127 tấn, giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 4 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu khoảng 2,9 triệu tấn thép từ Trung Quốc, giảm 19%.
Giá thép trung bình nhập khẩu trong tháng 4 ở mức 649 USD/tấn, gần như đi ngang so với tháng trước và giảm nhẹ 1,6% so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc vẫn là nguồn cung thép lớn nhất cho Việt Nam, chiếm 58% tổng lượng nhập khẩu, tuy nhiên tỷ trọng này đã giảm đáng kể so với mức 68% của cùng kỳ năm 2024.
Trong khi nhập khẩu từ Trung Quốc sụt giảm, lượng thép nhập khẩu từ Nhật Bản và Hàn Quốc lại tăng mạnh. Trong 4 tháng đầu năm 2025, nhập khẩu từ Nhật Bản tăng 52% lên 836.390 tấn, còn Hàn Quốc tăng 27% lên 485.175 tấn.
![]() |
Nhập khẩu thép Trung Quốc giảm mạnh trong tháng 4 |
Việc sản lượng thép Trung Quốc tràn vào Việt Nam giảm mạnh diễn ra ngay sau khi Bộ Công Thương tung "đòn thuế" chống bán phá giá nhằm bảo vệ sản xuất trong nước. Ngày 21/2, Bộ này quyết định áp thuế chống bán phá giá tạm thời trong 120 ngày đối với một số sản phẩm thép cuộn cán nóng (HRC) nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên, do tỷ trọng nhập khẩu từ Ấn Độ dưới 3%, nước này được miễn trừ thuế, trong khi HRC Trung Quốc bị áp mức thuế từ 19,38% đến 27,83%.
Tiếp đó, ngày 1/4, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 914/QĐ-BCT, áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm thép mạ có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Mức thuế cao nhất được áp lên hàng hóa từ Trung Quốc là 37,13%, và từ Hàn Quốc là 15,67%.
Bình luận về tác động của chính sách thuế, ông Nguyễn Việt Thắng – Tổng Giám đốc Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG), doanh nghiệp thép lớn nhất Việt Nam nhận định đây là "lực đỡ rất lớn" cho ngành. Ông cho biết năm ngoái, Việt Nam nhập khẩu tới 9 triệu tấn HRC từ Trung Quốc, gấp 3 lần sản lượng của Hòa Phát. Với chính sách thuế mới, lượng thép nhập khẩu chắc chắn sẽ giảm mạnh.
Tương tự, lãnh đạo Tập đoàn Tôn Nam Kim (mã: NKG) cho biết tại Đại hội cổ đông thường niên rằng, sau khi áp thuế chống bán phá giá tạm thời, lượng tôn mạ nhập từ Trung Quốc đã giảm đáng kể. Trong thời gian tới, hàng nhập khẩu từ thị trường này dự kiến tiếp tục sụt giảm mạnh, tạo cơ hội cho sản phẩm nội địa.