![]() |
Ảnh minh họa |
Năm 2024, ngành dệt may Việt Nam ghi nhận kết quả tích cực khi đạt doanh thu xuất khẩu 44 tỷ USD, tăng 11% so với năm trước và trở thành quốc gia xuất khẩu dệt may lớn thứ 2 thế giới. Thành quả này đến từ việc dịch chuyển đơn hàng khỏi Trung Quốc và Bangladesh, trong đó có nhiều đơn hàng đã được ký tới quý II/2025.
Trong số các doanh nghiệp dẫn đầu, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex - công ty mẹ của loạt doanh nghiệp dệt may trên sàn) đạt doanh thu hợp nhất 18.100 tỷ đồng, tăng 2,8%; lợi nhuận hợp nhất tăng mạnh 37,5% lên 740 tỷ đồng. Thu nhập bình quân người lao động đạt 10,3 triệu đồng/tháng. Thương mại TNG cũng ghi nhận gần 7.700 tỷ đồng doanh thu và 315 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Tuy nhiên, ngành vẫn đối mặt nhiều thách thức như đơn hàng thiếu ổn định, giá bán không tăng, thiếu nguyên liệu đầu vào và rào cản truy xuất nguồn gốc. Đặc biệt, câu chuyện thiếu hụt lao động có tay nghề đang gây sức ép lớn đến năng lực sản xuất.
Cùng lúc đó, Mỹ thông báo sẽ áp thêm 10% thuế bổ sung (trong thời gian 90 ngày deal thuế) lên hàng may mặc Việt Nam – nâng tổng thuế từ 18% lên 28%. Dù mức thuế này thấp hơn mức 46% từng đề xuất, lãnh đạo Vinatex cho rằng xuất khẩu sang Mỹ chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Tác động cụ thể dự kiến sẽ rõ ràng hơn trong vài tháng tới.
Tại ĐHCĐ năm 2025, lãnh đạo May Sông Hồng (MSH) – đơn vị có gần 12.000 lao động – cũng cảnh báo, mức thuế đối ứng 46% là không thể chịu đựng với các nhà sản xuất. Chủ tịch HĐQT Bùi Đức Thịnh khẳng định doanh nghiệp vẫn đặt ưu tiên giữ chân công nhân để đảm bảo hoạt động sản xuất bền vững.
Ở bối cảnh cạnh tranh, ngành dệt may Ấn Độ - đối thủ dệt may lớn của Việt Nam - đang đứng trước cơ hội mở rộng xuất khẩu khi các nhà bán lẻ Mỹ như Walmart và Costco tìm kiếm nguồn thay thế tại châu Á. Tuy nhiên, những hạn chế về lao động, chi phí và công nghệ sản xuất đang khiến nước này khó tận dụng được lợi thế thuế.
Tại Tiruppur – thủ phủ dệt kim của Ấn Độ – nhiều nhà máy nhận được đơn hàng lớn nhưng không đủ nhân công để triển khai. Mặc dù chính phủ Ấn Độ đã mở rộng chương trình đào tạo 300.000 lao động trong ngành, tình trạng lao động nhập cư rời bỏ nhà máy sau vài tháng vẫn phổ biến.
Theo số liệu năm 2024, Trung Quốc vẫn dẫn đầu xuất khẩu hàng may mặc sang Mỹ với 16,5 tỷ USD, tiếp theo là Việt Nam (14,9 tỷ USD), Bangladesh (7,3 tỷ USD) và Ấn Độ (4,7 tỷ USD).
Để đạt mục tiêu xuất khẩu từ 47 - 48 tỷ USD trong năm 2025 và phát triển bền vững, theo lãnh đạo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), chiến lược dài hạn của ngành dệt may Việt Nam là tích cực đa dạng hóa dòng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu nhiều phân khúc khách hàng khác nhau và mở rộng thị trường xuất khẩu.