Ngày 12/5, tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm nhẹ trong bối cảnh đồng USD tiếp tục thể hiện sức mạnh trên thị trường quốc tế.

Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 24.945 VND/USD, giảm 6 đồng so với ngày 9/5. Với biên độ ±5% được áp dụng, tỷ giá trần là 26.192 VND/USD và tỷ giá sàn là 23.698 VND/USD. Tỷ giá tham khảo tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước hiện ở mức 23.754 VND/USD chiều mua vào và 26.148 VND/USD chiều bán ra.

Tại hệ thống ngân hàng thương mại, tỷ giá USD sáng nay (12/5) được giữ nguyên so với cuối tuần trước. Cụ thể, Vietcombank và BIDV cùng niêm yết mức giá mua vào – bán ra là 25.780–26.140 VND/USD.

Đồng Nhân dân tệ (NDT) ghi nhận giảm nhẹ tại một số ngân hàng lớn. Vietcombank hạ giá mua vào 1 đồng và bán ra 2 đồng, hiện giao dịch ở mức 3.531–3.644 VND/NDT. BIDV cũng điều chỉnh giảm 1 đồng ở cả hai chiều, xuống còn 3.549–3.646 VND/NDT.

USD neo cao, thị trường kỳ vọng vào tiến triển đàm phán thương mại
Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 24.945 VND/USD, giảm 6 đồng so với ngày 9/5.

Trên thị trường quốc tế, chỉ số USD Index (DXY) – thước đo sức mạnh đồng bạc xanh so với rổ tiền tệ chính – duy trì quanh mốc 100,42 vào lúc 7h sáng (giờ Việt Nam). Trong phiên gần nhất, tỷ giá EUR/USD tăng nhẹ 0,04% lên 1,1256, GBP/USD giảm 0,01% xuống 1,3304 và USD/JPY tăng 0,04% lên 145,44.

Đồng USD đang có tuần tăng giá thứ tư liên tiếp so với các đồng tiền chủ chốt như franc Thụy Sĩ, yen Nhật và euro. Nguyên nhân chủ yếu đến từ kỳ vọng lạc quan của thị trường trước các cuộc đàm phán thương mại Mỹ – Trung, dự kiến bắt đầu tại Thụy Sỹ cuối tuần này.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố thỏa thuận thương mại với Anh, trong đó hạ thuế nhập khẩu ô tô từ 27,5% xuống còn 10% – động thái được xem là dấu hiệu cho thấy Mỹ có thể cởi mở hơn trong các đàm phán song phương khác.

Chuyên gia Matthew Weller, Trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường tại StoneX, nhận định sự lạc quan của nhà đầu tư đang gia tăng khi chính quyền Mỹ thể hiện xu hướng mở rộng phạm vi hợp tác thương mại toàn cầu.

Diễn biến tỷ giá hiện nay cũng phản ánh sự phân hóa trong chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn. Trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn giữ nguyên lãi suất, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã quyết định hạ lãi suất trong tuần qua. Ngược lại, ngân hàng trung ương Thụy Điển và Na Uy giữ lập trường ổn định, không thay đổi chính sách.

Sự khác biệt này đang tạo lợi thế tương đối cho đồng USD, giúp đồng tiền này tiếp tục thu hút dòng vốn và giữ vững vị thế trong rổ tiền tệ quốc tế.