Theo thông tin vừa được Hòa Phát (HPG) công bố, từ ngày 5/5/2025, các lô hàng ống thép hộp (LWRPT) của Tập đoàn sẽ chính thức được phép xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ và thực hiện quy trình tự chứng nhận xuất xứ mà không bị áp thuế chống bán phá giá.

Đây là thông tin trong thông báo kết luận cuối cùng của Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) về việc rà soát hành chính đối với vụ điều tra chống lẩn tránh thuế bán phá giá (AD), chống trợ cấp (CVD) đối với thép hộp (LWRPT) từ Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ.

Thoát thuế châu Âu, né tiếp đòn Mỹ, Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long sở hữu vũ khí bí mật gì?
Ống thép Hòa Phát không bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá

Thành công này đến từ việc Hòa Phát đã chứng minh thành công nguồn gốc nguyên liệu thép nền sản xuất ống thép là từ Việt Nam, không có yếu tố lẩn tránh từ Trung Quốc – quốc gia đang bị Mỹ áp thuế AD/CVD nghiêm ngặt.

Trong quá trình rà soát hành chính giai đoạn 2022–2023, Hòa Phát đã chủ động cung cấp đầy đủ hồ sơ, dữ liệu chứng từ, truy xuất chuỗi cung ứng rõ ràng, minh bạch cho phía DOC. Kết quả điều tra của DOC xác nhận thép cuộn cán nóng dùng để sản xuất LWRPT của Hòa Phát là hàng hóa có xuất xứ Việt Nam.

Nhờ đó, các lô hàng của ống thép Hòa Phát xuất khẩu sang Mỹ từ 5/5/2025 sẽ không chịu thuế chống bán phá giá, loại thuế mà Hòa Phát từng bị áp trong vụ điều tra lẩn tránh năm 2022.

Không chỉ né được đòn thuế từ Mỹ, vào tháng 3 vừa qua, Ủy ban châu Âu (EC) ban hành Thông báo đề xuất áp thuế chống bán phá giá tạm thời với một số sản phẩm thép cán nóng của Ai Cập, Ấn Độ, Nhật Bản và Việt Nam, nhập khẩu vào Liên minh châu Âu (EU).

Thoát thuế châu Âu, né tiếp đòn Mỹ, Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long sở hữu vũ khí bí mật gì?
Hòa Phát là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất không bị EU áp thuế với HRC

Đáng chú ý, Hòa Phát là doanh nghiệp Việt duy nhất thoát khỏi mức thuế chống bán phá giá tạm thời mà Ủy ban châu Âu (EC) dự kiến áp dụng đối với sản phẩm thép cán nóng (HRC) nhập khẩu từ Việt Nam, Nhật Bản, Ai Cập và Ấn Độ.

Trong khi nhiều doanh nghiệp Việt khác, trong đó có Formosa bị EC áp mức thuế tạm thời lên đến 12,1%, thì sản phẩm HRC của Hòa Phát không bị áp thuế nào. Thép Nhật Bản cũng bị đánh thuế từ 6,9–33%, Ai Cập là 15,6%...

Để đạt được thành công trên, doanh nghiệp của tỷ phú Trần Đình Long đã đầu hệ thống sản xuất trên dây chuyền công nghệ hiện đại, các khâu sản xuất đều được tối ưu hóa nên có giá thành cạnh tranh.
Đồng thời, trong quá trình EU thực hiện điều tra, Hòa Phát đã hợp tác chặt chẽ, chủ động cung cấp đầy đủ dữ liệu liên quan cho cơ quan điều tra. Dữ liệu minh bạch và hệ thống rõ ràng là một trong các yếu tố góp phần vào sự thành công của Hòa Phát trong vụ kiện này.

Những gì Hòa Phát đạt được tại Mỹ và châu Âu không chỉ phản ánh năng lực sản xuất, mà còn cho thấy kinh nghiệm xử lý các vấn đề pháp lý và sự chuyên nghiệp trong chiến lược thị trường quốc tế của doanh nghiệp này. Việc thoát thuế không đến từ may mắn, mà là kết quả của một chiến lược bài bản: từ nội địa hóa nguyên liệu, đầu tư vào công nghệ luyện cán nóng, cho tới chủ động làm việc với cơ quan điều tra quốc tế theo tiêu chuẩn minh bạch cao nhất.